BỆNH NHÂN RA VIỆN SAU 13 LẦN SỐC ĐIỆN

16h25’ ngày 25/07, bệnh nhân nam N.V.L 77 tuổi, ở Kinh Môn, Hải Dương vào Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng vì khó thở. Qua thăm khám và cận lâm sàng cần thiết, bác sĩ chẩn đoán người bệnh có đợt cấp suy tim, hội chứng vành cấp, viêm phổi, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh nhân được chuyển Khoa Tim mạch – Đột quỵ. Tại đây, kết quả chụp động mạch vành phát hiện, người bệnh hẹp 99% đoạn LAD I, hẹp 80-90% LAD II -III, hẹp khít 95-99% RCA I-II. Bệnh nhân được can thiệp đặt 2 stent vị trí  LAD II-III, LAD I -II thành công.

2 ngày sau can thiệp, bệnh nhân đột ngột xuất hiện rung thất, ngay lập tức bác sĩ tiến hành sốc điện, sau đó bệnh nhân tỉnh, mạch: 105 ck/ph, huyết áp 100/60mmHg. Bệnh nhân khẩn trương được chuyển sang Khoa Hồi sức cấp cứu để được điều trị, theo dõi sát. Ngày đầu tiên hồi sức, bệnh nhân xuất hiện nhiều cơn rung thất, ngừng tuần hoàn, được bác sĩ cấp cứu, sốc điện nhiều lần, xử trí cơn nhịp nhanh thất, đặt ống nội khí quản, thở máy, điều trị suy tim. Ngày thứ 5 hồi sức, bệnh nhân xuất hiện cơn rối loạn nhịp thất nguy hiểm, nhịp nhanh thất, huyết áp tụt, bác sĩ xử trí sốc điện chuyển nhịp thành công. Tuy nhiên trước tình hình bệnh nhân nặng, nguy cơ tử vong cao ngay cả khi thực hiện can thiệp lần 2,  nếu can thiệp cũng tiên lượng hồi sức lâu dài, nhưng bằng sự quyết tâm của đội ngũ y bác sĩ và người nhà bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu hội chẩn Khoa Tim mạch – Đột quỵ thống nhất quyết định đặt máy tạo nhịp, thực hiện can thiệp lần 2, đặt stent RCA I-II cho bệnh nhân.

Đúng như tiên lượng, sau can thiệp người bệnh vẫn còn trong tình trạng nguy hiểm, huyết áp tụt, suy thận, vô niệu, được bác sĩ duy trì 3 vận mạch liều cao. Đứng trước ca bệnh nặng: sốc tim, vô niệu, suy thận, nhồi máu cơ tim đã đặt 3 stent, suy tim nặng, sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp, viêm phổi, bác sĩ quyết định tiến hành kỹ thuật lọc máu. Sau 6 lần lọc máu liên tục, 4 lần lọc máu ngắt quãng, bệnh nhân đáp ứng, cắt được vận mạch, có dòng nước tiểu. Ngày 22/8 bệnh nhân được rút ống nội khí quản, thở máy không xâm nhập xen kẽ thở oxy kính.

Tuy nhiên trong quá trình điều trị bệnh nhân phải điều trị nhiều lần viêm phổi do vi khuẩn đa kháng, cơ thể suy kiệt. Ngày 3/9 đặt lại ống nội khí quản thở máy, điều trị kháng sinh,  sau đó được mở khí quản, chăm sóc phục hồi chức năng hô hấp, tăng cường dinh dưỡng, săn sóc tỉ mỉ. Sau 133 ngày điều trị tích cực với nỗ lực không mệt mỏi của các thầy thuốc và cả bệnh nhân, tình trạng bệnh nhân đã tốt dần lên, ngày 13/11 bệnh nhân tỉnh, tự thở qua Cannul mở khí quản, mạch huyết áp, toàn trạng ổn định. Bệnh nhân được ra viện sau gần 5 tháng điều trị.


Thành công trong điều trị ca bệnh nặng, phức tạp của bệnh nhân V.L cho thấy sự phối hợp đồng bộ và trình độ chuyên môn tốt của nhiều chuyên khoa, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu, Tim mạch – Đột quỵ và sự quyết tâm điều trị đến cùng của đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng. Bằng nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu, đội ngũ y bác sĩ đã cứu sống ngoạn mục nhiều trường hợp nguy kịch như trường hợp của bệnh nhân V.L.

Leave a reply