Bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, sốc tim được can thiệp cứu sống kịp thời

10h10’ ngày 30/5, bệnh nhân N.K.T, 66 tuổi, ở Kênh Dương, Lê Chân, Hải Phòng vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng trong tình trạng đau ngực giờ thứ 18, khó thở, sốc tim, tụt huyết áp, duy trì 2 vận mạch. Trước đó, bệnh nhân xuất hiện đau ngực vào 15h chiều ngày 29/5, đã được khám và điều trị ban đầu tại một đơn vị y tế trên địa bàn.

Tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng, bệnh nhân được đánh giá nhồi máu cơ tim có ST chênh lên, block nhĩ thất độ 2. Siêu âm tim phát hiện thất phải hầu như vô động. Ngay lập tức, bệnh nhân được chụp và xét can thiệp cấp cứu, kết quả phát hiện động mạch vành phải của bệnh nhân tắc hoàn toàn do huyết khối nhiều trên nền xơ vữa. Ekip can thiệp: ThS.BSNT Vũ Học Huấn – Trưởng Khoa Tim mạch – Đột quỵ; ThS.BS Phạm Văn Thuận cùng cộng sự đã tiến hành hút huyết khối nhiều lần, lấy ra các cục máu đông đồng thời đặt 1 stent vào vị trí bị tắc. Sau can thiệp ghi nhận dòng chảy tốt, hết huyết khối, huyết động của bệnh nhân đã ổn định, đã cắt vận mạch. Siêu âm tim, thất phải hồi phục tốt, huyết áp người bệnh đã trở lại bình thường. Trong quá trình can thiệp huyết khối nhiều, hình thành nhanh, mặc dù đã được hút huyết khối nhiều lần và đặt stent vị trí hẹp, dòng chảy khôi phục tốt, nhưng các bác sĩ đánh giá nguy cơ huyết khối tái phát cao nên sau can thiệp bệnh nhân được duy trì thuốc kháng tiểu cầu kép kết hợp chống đông đường tiêm nhằm giảm nguy cơ tái tắc mạch do huyết khối.

ThS.BSNT Vũ Học Huấn – Trưởng Khoa Tim mạch – Đột quỵ – người trực tiếp thực hiện thủ thuật cho biết: Nhồi máu cơ tim là vấn đề tim mạch rất nguy hiểm. Nếu xử trí chậm trễ, nguy cơ diễn biến rối loạn nhịp tiến triển, suy tim, các biến chứng khác của nhồi máu cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Nếu bỏ lỡ “thời gian vàng” thì cơ tim có nguy cơ tổn thương nặng nề và rất khó có cơ hội phục hồi như ban đầu. Rất may mắn ở ca bệnh, người bệnh đã được can thiệp, cứu chữa kịp thời.


Để phòng tránh cơn nhồi máu cơ tim cấp, tầm soát và khám tim mạch định kỳ rất quan trọng. Sau can thiệp, đối với người bệnh nhồi máu cơ tim, cần kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ như: huyết áp, cân nặng, điều chỉnh đường máu, không sử dụng rượu bia, thuốc lá…Bên cạnh đó người bệnh cũng cần chú ý thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng, tập luyện thường xuyên nhằm cải thiện tình trạng bệnh cũng như giúp giảm thiểu nguy cơ mắc phải căn bệnh này.

Leave a reply