Bệnh sởi và những lưu ý cần thiết ở trẻ nhỏ
Bệnh nhi Trần Huyền Tr, 3 tuổi, (ở Hoàng Minh Thảo, Nghĩa Xá, Lê Chân, Hải Phòng) được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng trong tình trạng sốt cao, ho nhiều, phát ban. Tiến hành khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh nhi mắc sởi, biến chứng viêm phổi nặng dẫn đến suy hô hấp, chỉ định nhập viện. Bệnh nhi được theo dõi, chăm sóc và điều trị tích cực tại khoa Nhi, bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thảo, khoa Nhi cho biết: Sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và hay xảy ra vào mùa đông xuân với các biểu hiện đặc trưng như sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban; có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não,viêm tai giữa, tiêu chảy, thậm chí tử vong.
Biểu hiện lâm sàng bệnh sởi:
Sởi có 2 thể: điển hình và không điển hình (Sởi không điển hình: người bệnh có thể sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ và phát ban ít nên thường dễ bị bỏ qua, dẫn đến lây lan mà không biết)
Thể điển hình trải qua 4 giai đoạn:
– Giai đoạn ủ bệnh trung bình 10 ngày.
– Giai đoạn khởi phát hay còn gọi là giai đoạn viêm long trung bình 2-4 ngày với biểu hiện sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, có thể thấy hạt Koplik là những hạt nhỏ phía trong má.
– Giai đoạn toàn phát kéo dài 2-5 ngày thường sau sốt cao 3-4 ngày trẻ xuất hiện phát ban, ban hồng dát sần xuất hiện theo trình tự từ trên xuống dưới, khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.
– Giai đoạn hồi phục ban nhạt dần rồi chuyển sang màu xám bong vẩy để lại vết thâm, nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi, có thể ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.
Điều trị bệnh:
Sởi không có phương pháp điều trị đặc hiệu chủ yếu là điều trị hỗ trợ; cần cách ly người bệnh, phát hiện và điều trị sớm biến chứng. Những phương pháp hỗ trợ bao gồm: vệ sinh da, mắt, miệng họng, tăng cường dinh dưỡng, bồi phụ nước điện giải và bổ sung Vitamin A, dùng thuốc trong trường hợp có biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy…
Phòng bệnh và chăm sóc trẻ mắc bệnh sởi
Với kinh nghiệm thực tế tiếp nhận, chăm sóc trẻ bị sởi, bác sĩ Nguyễn Thị Thảo chia sẻ: đối với trẻ mắc sởi cần cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua đường hô hấp như đeo khẩu trang cho người bệnh, người chăm sóc và nhân viên y tế, hạn chế tiếp xúc nếu không cần thiết; tăng cường vệ sinh cá nhân, sát trùng mũi họng, giữ ấm cơ thể, nâng cao thể trạng để tăng cường sức đề kháng…
Lưu ý, biện pháp phòng bệnh hữu hiệu và an toàn nhất là chủ động tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch 2 mũi vắc xin sởi cho trẻ. Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi mũi đầu khi trẻ được 9 tháng, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng. Các ca mắc sởi đa số đều do chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ số mũi theo quy định. Trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng sởi nguy cơ mắc bệnh lên tới 99%.
Leave a reply