Buồng trứng đa nang và bệnh tiểu đường có liên quan đến nhau?

Khoa Nội tổng hợp 1 (Hô hấp – Nội tiết – Bệnh nhiệt đới), Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 33 tuổi, nhập viện vì đường máu cao khó kiểm soát (Glucose máu: 19 mmol/l, HbA1C – chỉ số đường huyết trung bình trong 3 tháng trước đó của bệnh nhân tăng rất cao: 12,5%). Khai thác tiền sử, bệnh nhân bị vô sinh nhiều năm do hội chứng buồng trứng đa nang. Một năm nay bệnh nhân mới phát hiện tiểu đường typ 2. Qua thăm khám thấy bệnh nhân có thể trạng béo (BMI 28,3 kg/m2) ,có dấu hiệu rậm lông, kinh nguyệt không đều, siêu âm thấy buồng trứng nhiều nang nhỏ. Đây là những triệu chứng điển hình của hội chứng buồng trứng đa nang.


Hội chứng buồng trứng đa nang là một hội chứng lâm sàng được đặc trưng  bởi béo phì nhẹ, kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh và các dấu hiệu thừa androgen như rậm lông, mụn trứng cá…Hầu hết các bệnh nhân có nhiều nang trong buồng trứng. Nguyên nhân gây ra buồng trứng đa nang được cho là do kháng Insulin – là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường typ 2. Những người mắc hội chứng buồng trứng đa nang có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường typ 2 gấp 4 – 8 lần so với phụ nữ không mắc hội chứng buồng trứng đa nang.

Trở lại trường hợp của bệnh nhân trên đã được kiểm soát đường huyết bằng các thuốc tiểu đường, trong đó có thuốc Metformin – giúp tăng nhạy cảm Insulin. Metformin một thuốc tiểu đường nhưng Metformin lại có vai trò rất quan trọng trong tái lập chu kỳ kinh bình thường, tăng khả năng phóng noãn nên thực sự có vai trò trong điều trị vô sinh ở những bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang. Bệnh nhân cũng được bác sỹ tư vấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập luyện, giảm cân đúng cách.

Qua đây, bác sỹ cũng khuyến cáo, hội chứng buồng trứng đa nang không chỉ gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Do đó ngoài việc thực hiện chế độ ăn uống – vận động hợp lý thì việc khám định kỳ để tầm soát phát hiện sớm bệnh tiểu đường, điều trị sớm Metformin không những cải thiện được tình trạng kháng Insulin mà còn cải thiện được tỉ lệ rụng trứng và có thai sớm, hoặc tránh được đái tháo đường thai kỳ ở bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang.

Tài liệu tham khảo

  1. Awartani KA, Cheung AP (2002), Metformin and polycystic ovary syndrome: a literature review, Journal of Obstetrics and Gynaecology Canada, vol. 24, 393 – 401.
  2. Ben-Haroush A, Yogev Y, Fisch B (2004), Insulin resistance and metformin in polycystic ovary syndrome, Eur J Obstet Gynecol Reprod Biol, 115, 125–133.
Leave a reply