CAN THIỆP CẦU NỐI CHỦ VÀNH CHO NGƯỜI BỆNH NHỒI MÁU CƠ TIM NGUY HIỂM
Nam bệnh nhân, 79 tuổi có tiền sử mổ bắc cầu nối chủ vành; phình động mạch chủ bụng cách đây 4 năm; tăng huyết áp đang điều trị thuốc đều. Người bệnh điều trị nhiễm khuẩn huyết do Ecoli, mới xuất viện tại Bệnh viện trên địa bàn cách đây 1 tháng. Tuy nhiên, 2 ngày nay, người bệnh sốt cao được nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng.
Tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng sốt rét run, tụt huyết áp, khó thở, men tim tăng cao, điện tim bất thường; bác sĩ chẩn đoán: Hội chứng vành cấp, nhiễm khuẩn huyết trên nền bệnh đái đường, rối loạn mỡ máu, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nguy hiểm.
Nhanh chóng, người bệnh được thực hiện chụp mạch vành qua da, phát hiện bệnh mạch vành nặng, tắc nghẽn nhiều chỗ: Hẹp nặng LM đoạn xa, hẹp lan tỏa vị trí LAD I-II; hẹp 99% Lcx I-II, tắc hoàn toàn mạn tính từ RCA I; đặc biệt cầu nối động mạch chủ – RCA III tái hẹp khít 80% tại vị trí miệng nối. Các cầu nối còn lại dòng chảy lưu lượng tốt.
Trước tình hình phức tạp của ca bệnh, các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn và quyết định lựa chọn phương án tối ưu, can thiệp, đặt 1 stent cấp cứu vị trí miệng nối cầu chủ vành và RCA III. Sau can thiệp, người bệnh huyết động ổn định, không đau ngực; tiếp tục được điều trị nội khoa tích cực tình trạng nhiễm khuẩn, hiện người bệnh đã cắt sốt và tiến triển tích cực.
Theo ThS.BSNT. Vũ Học Huấn – Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng: Hiện nay, bệnh mạch vành có tỷ lệ mắc ngày càng gia tăng trong quần thể dân số. Tỷ lệ đặt stent mạch vành, mạch máu ngoại biên, mổ bắc cầu chủ vành… ngày càng nhiều hơn. Bệnh mạch vành gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, đột tử… nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Việc áp dụng các kỹ thuật mới, từng bước triển khai nhiều kỹ thuật can thiệp tim mạch chuyên sâu giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm đáng kể nguy cơ đột tử do nhồi máu cơ tim, suy tim và hạn chế nguy cơ tái nhập viện cho người bệnh.
Leave a reply
Leave a reply