Cảnh báo tình trạng nấm phổi Aspergillus do lạm dụng thuốc corticoid kéo dài
Vừa qua, Khoa Hồi sức cấp cứu – Thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng tiếp nhận và điều trị chùm ca bệnh viêm phổi do nấm Aspergillus. Đặc biệt, cả 2 trường hợp đều liên quan đến việc tự ý dùng thuốc kháng sinh, sử dụng corticoid kéo dài.
Bệnh nhân nữ 75 tuổi, tiền sử hút thuốc lào 40 năm, đái tháo đường type 2. Bệnh nhân có tình trạng ho khạc đờm, sốt, tự dùng thuốc kháng sinh ở nhà 10 ngày không đỡ, ngày 13/3 người bệnh có điều trị tại Bệnh viện tuyến Trung ương 1 tuần, được chẩn đoán nấm phổi. Bệnh nhân suy hô hấp, có chỉ định đặt ống nội khí quản thở máy nhưng gia đình không đồng ý và xin cho người bệnh về. Sau khi về nhà 2 ngày, bệnh nhân còn khó thở nhiều và vào khoa Hồi sức cấp cứu – Thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng trong tình trạng suy hô hấp, thở oxy mask túi 15 l/p, SpO2 95%, TST 30 l/p, phổi rì rào phế nang giảm, rales ẩm nổ và rales rít nhiều 2 bên.
Nhanh chóng, người bệnh được thở máy không xâm nhập, điều trị tích cực, phục hồi chức năng hô hấp. Kết quả cận lâm sàng cho thấy chỉ số nhiễm trùng tăng cao, hình ảnh CT ngực: Viêm phổi, giãn và dày thành phế quản 2 bên; cấy đờm kết quả nhiễm nấm Aspergillus. Người bệnh được bổ sung thuốc điều trị nấm theo phác đồ của bộ Y tế. Sau 38 ngày điều trị, bệnh nhân đã thôi thở máy, chuyển thở oxy kính, toàn trạng ổn định, được cho ra viện dùng thuốc theo đơn.
Ở trường hợp thứ 2, bệnh nhân nữ 66 tuổi, tiền sử tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường type 2, stent động mạch cảnh (P), đau xương khớp nhiều năm, thường xuyên tự dùng thuốc giảm đau có chứa corticoid. Bệnh nhân vào viện vì ho, sốt, khó thở ngày thứ 5. Tiếp nhận người bệnh với kiểu hình Cushing (bệnh lý nội tiết do rối loạn chức năng vỏ tuyến thượng thận, gây tăng mạn tính hormon glucocorticoid không kìm hãm được), khó thở, tần số thở 32 l/p, SpO2 90%, sốt 38,8 độ C, hội chứng nhiễm trùng (+), phổi rì rào phế năng giảm, rales ẩm nổ, rales rít, rales ngáy 2 bên. Người bệnh được thở máy không xâm nhập, điều trị tích cực.
Kết quả cận lâm sàng cũng cho thấy: chỉ số nhiễm trùng tăng cao, CT ngực: Hình ảnh viêm phổi 2 bên, giãn và dày thành phế quản 2 bên, vi nấm soi tươi và cấy đờm nhiễm nấm Aspergillus. Bệnh nhân được điều trị nấm theo phác đồ của bộ Y tế. Tình trạng hiện tại bệnh nhân điều trị ngày thứ 7, đã hết sốt, còn ho nhiều đờm, thở máy không xâm nhập xen kẽ với thở oxy đáp ứng tốt, phổi hết rales co thắt.
Nhiễm nấm Aspergillus đứng hàng thứ 2 trong số các trường hợp nhiễm nấm xâm lấn. Tỷ lệ tử vong do nấm Aspergillus gây ra rất cao. Đường xâm lấn thường gặp của Aspergillus là đường mũi xoang và hô hấp. Do vậy, biểu hiện hay gặp nhất là viêm phổi. Quá trình hình thành nấm xâm lấn phụ thuộc vào hai yếu tố: độc lực của tác nhân gây bệnh và sự suy giảm miễn dịch của chủ thể. Trong số các yếu tố gây ra tình trạng suy giảm miễn dịch có việc sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, sử dụng corticoid liều cao hoặc sử dụng kéo dài, điều trị kháng sinh phổ rộng, điều trị hóa chất ung thư, và một số yếu tố liên quan đến tình trạng suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Thông thường, con người có khả năng đề kháng tự nhiên với nhiều loại vi nấm nhờ hệ thống miễn dịch và nhiệt độ cơ thể người tương đối cao (35 – 37 độ C) trong khi hầu hết các loài vi nấm phát triển tốt ở điều kiện nhiệt độ từ 12 đến 30 độ C. Tuy nhiên, sự nóng lên toàn cầu cùng với sự biến đổi khí hậu làm tăng tỷ lệ nhiễm nấm do mở rộng vùng địa lý cho các loài nấm gây bệnh sẵn có và chọn lọc các loài nấm dung nạp nhiệt thích nghi thành dạng có khả năng gây bệnh.
Nhiễm nấm Aspergillus với tỷ lệ tăng lên trong hơn 20 năm qua cùng với sự gia tăng các biện pháp điều trị các bệnh máu ác tính. Giảm bạch cầu hạt kéo dài là yếu tố nguy cơ chính của nhiễm Aspergillus xâm lấn cũng như các nấm khác. Tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân không có giảm bạch cầu lên đến 63-72% do chẩn đoán muộn.
Hầu hết các căn nguyên nấm gây bệnh cho người đều là các căn nguyên gây nhiễm trùng cơ hội chứ không phải là căn nguyên gây bệnh thực sự. Khả năng gây bệnh của nấm có liên quan trực tiếp đến sự thay đổi miễn dịch tại chỗ hoặc toàn thân của cơ thể. Quá trình hình thành nấm xâm lấn phụ thuộc vào hai yếu tố: độc lực của tác nhân gây bệnh và sự suy giảm miễn dịch của chủ thể. Trong đó các yếu tố gây ra tình trạng suy giảm miễn dịch là: giảm bạch cầu, sau ghép tạng, HIV – AIDS, trẻ đẻ non, dùng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, sử dụng corticoid liều cao hoặc sử dụng kéo dài, điều trị kháng sinh phổ rộng, điều trị hóa chất ung thư, và một số yếu tố liên quan đến tình trạng suy giảm miễn dịch bẩm sinh.
Qua 2 ca bệnh trên, bác sĩ khuyến cáo người dân khi có bệnh cần đến khám kịp thời, tránh dùng thuốc bừa bãi, đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh, giảm đau chứa corticoid để tránh tình trạng vi khuẩn kháng thuốc và nhiễm các loại nấm gây khó khăn trong điều trị.
Leave a reply
Leave a reply