Chăm sóc bệnh nhân sau can thiệp tim mạch

Hiện nay, can thiệp tim mạch đã góp phần cứu sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, để giúp phục hồi nhanh chóng và phòng ngừa các rủi ro sau khi can thiệp, người bệnh không thể bỏ qua những lưu ý quan trọng về cách chăm sóc, dinh dưỡng và chế độ vận động như sau:

TRONG THỜI GIAN NẰM VIỆN

Cần báo ngay bác sĩ nếu có dấu hiệu bất thường:

  • Ý thức lơ mơ, tri giác kém, gọi hỏi trả lời lẫn, đột ngột yếu liệt, nói ngọng, nói khó;
  • Rét run;
  • Da, niêm mạc nhợt;
  • Đau ngực đột ngột chuyển biến tăng lên dữ dội, vã mồ hôi, khó thở tăng dần.
  • Căng tím, đau quá mức xung quanh vị trí can thiệp.
  • Tê bì hoặc mất cảm giác chân/tay can thiệp
  • Máu chảy thấm băng ép
  • Tấy đỏ, đau rát da, phồng rộp da vùng ngực, lưng…

Hướng dẫn chăm sóc chung:

Tuân thủ sự hướng dẫn của nhân viên y tế

Chế độ dinh dưỡng

  • Uống đủ nước theo hướng dẫn;
  • Nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi để tránh táo bón;
  • Các chế độ ăn khác không khác biệt so với ngày thường.

Chế độ vận động, sinh hoạt

  • Nghỉ ngơi tại giường tuyệt đối với thời gian từ 2-8 giờ đầu sau thủ thuật. sinh hoạt vệ sinh tại giường trong thời gian này;
  • Vận động nhẹ nhàng trong 24-48 giờ đầu sau thủ thuật.

Chăm sóc vị trí chọc mạch can thiệp

  • Không tự ý nới hay tháo băng ép;
  • Tránh để ướt bẩn băng ép vị trí can thiệp để tránh vị trí nhiễm trùng;
  • Không bôi kem, thuốc mỡ hay bất kì thứ gì lên vết thương.

Với bệnh nhân có vị trí chọc động mạch quay cánh tay (vùng cổ tay)

  • Không sử dụng vùng cổ tay để nâng vật nặng trên 1 kg trong vòng 7 ngày kể từ ngày làm thủ thuật;
  • Không vận động gắng sức trong vòng 2 ngày sau thủ thuật; ngay cả với trò chơi như: cầu lông, golf, tennis…;
  • Không làm việc với các dụng cụ yêu cầu cần sự chính xác và linh hoạt của tay như lái xe, vật dụng sắc nhọn như dao, kéo…trong tối thiểu 2 ngày sau thủ thuật.

Với bệnh nhân có vị trí chọc động mạch đùi

  • Không nâng vật nặng hơn 4,5kg hoặc kéo đẩy các vật nặng khi làm việc khoảng 7 ngày sau thủ thuật;
  • Không nên vận động gắng sức trong khoảng 5 ngày sau thủ thuật, bao gồm cả các hoạt động vui chơi, thể thao;
  • Ấn giữ vùng vết chọc mạch khi ho, hắt hơi, rặn trong vòng 7 ngày sau thủ thuật;
  • Tránh căng cơ đùi trong khi đại tiện trong vòng 7 ngày sau thủ thuật để phòng ngừa chảy máu ở vị trí luồn ống thông.

SAU RA VIỆN

Chế độ tái khám:

 

  • Bệnh nhân tái khám định kỳ hàng tháng, thời điểm tái khám 1 ngày trước khi hết thuốc theo đơn;
  • Nếu xuất hiện bất thường: Đau ngực, khó thở, choáng ngất, chảy máu khó cầm, đau bụng, đại tiện phân đen cần tái khám ngay;

 

Chế độ dùng thuốc:

 

  • Tuyệt đối tuân thủ chế độ dùng thuốc theo đơn bác sĩ, không được tự ý bỏ thuốc, giảm bớt thuốc, thay đổi thuốc;

(Nếu tự ý ngừng thuốc, giảm bớt thuốc hoặc thay đổi thuốc có nguy cơ gây tắc mạch cấp, tử vong)

Đặc biệt: Bệnh nhân đặt stent động mạch vành bắt buộc dùng 2 loại thuốc kháng tiểu cầu trong vòng 1 năm đầu, sau đó duy trì 1 loại thuốc kháng tiểu cầu suốt đời, chỉ ngừng hoặc giảm thuốc khi có chỉ định của bác sĩ;

  • Nếu có bất thường khi dùng thuốc, có thể liên hệ bác sĩ điều trị để được tư vấn.

             Chế độ sinh hoạt

  • Vận động nhẹ nhàng, tập thể dục phù hợp với tình trạng thể lực của bệnh nhân;
  • Tránh căng thẳng, không khiêng, mang vác vật nặng gắng sức trong vòng 1 tháng đầu sau can thiệp;

 

Chế độ dinh dưỡng

 

  • Ăn thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, dễ tiêu;
  • Hạn chế mỡ, tạng động vật: Tiết canh, lòng lợn, trứng
  • Tùy tình trạng bệnh nhân có bệnh nhân như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim để có chế độ phù hợp.
Leave a reply