Chuyên mục chuyện thường ngày:
CẤP CỨU THÀNH CÔNG BỆNH NHÂN SỐC NHIỄM KHUẨN, SUY ĐA TẠNG DO VI KHUẨN K.PNEUMONIA VÀ E.COLI.
Vừa qua, Khoa Hồi sức cấp – Thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng đã cấp cứu, điều trị kịp thời bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn K.pneumonia và E.coli.
Bệnh nhân nữ 53 tuổi, tiền sử chưa phát hiện bệnh mạn tính, có dấu hiệu mệt mỏi từ trưa ngày 20/5, đến tối xuất hiện nôn nhiều, đại tiện phân lỏng nước nhiều lần. 20h55’ cùng ngày, bệnh nhân được người nhà đưa vào Khoa Hồi sức cấp – Thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng. Tiếp nhận người bệnh trong tình trạng da khô, tái lạnh, nổi vân tím, dấu hiệu mất nước, huyết áp tụt 53/30mmHg. Khí máu động mạch: Toan chuyển hóa, lactac tăng cao, suy thận vô niệu, xét nghiệm PCT cao không đo được (thông số được sử dụng để chẩn đoán và theo dõi các bệnh viêm do nhiễm khuẩn). Huyết áp bệnh nhân không đáp ứng với bù dịch, được duy trì 3 vận mạch liều cao tăng dần. Điểm suy tạng SOFA 10 điểm (bình thường là 0 điểm).
Tiên lượng tình trạng nặng, chẩn đoán người bệnh sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, theo dõi nhiễm khuẩn huyết nghi vào đường tiêu hóa, viêm phổi, bệnh nhân được dùng kháng sinh ngay giờ sớm, hội chẩn các bác sĩ trong Khoa quyết định thực hiện lọc máu liên tục. Quá trình lọc máu, người bệnh còn suy hô hấp, phù phổi cấp, men tim tăng vọt (Troponin I 13,0 D-Dimer 34592), ngay lập tức hội chẩn tim mạch đánh giá và theo dõi.
Sau lần 2 lọc máu liên tục, bệnh nhân cắt được vận mạch, men tim giảm dần, chuyển dần từ thở máy không xâm nhập sang thở oxy kính, tình trạng suy đa tạng cải thiện, đồng thời kết quả cấy máu phát hiện ra vi khuẩn K.pneumonia và E.coli, được tiếp tục theo dõi và điều trị theo phác đồ. Ngày 29/5, bệnh nhân được chuyển Khoa Tim mạch – Đột quỵ điều trị và theo dõi sát. Hiện tại, bệnh tình dần cải thiện và hồi phục.
Theo BSCKII. Trần Thị Thanh Thủy – Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu – Thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng: Ở trường hợp ca bệnh bị nhiễm khuẩn huyết với nhiều loại vi khuẩn là hiếm gặp, nó gây nên tình trạng nhiễm khuẩn toàn thân nặng với bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, diễn biến xấu nhanh, tổn thương nhiều cơ quan như tim mạch, hô hấp, tiêu hóa…, tiến tới sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Bệnh có nguy cơ cao tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Leave a reply
Leave a reply