Cúm mùa, sởi vẫn diễn biến phức tạp
Trong những tháng đầu năm 2019, tình hình cúm mùa, sởi tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, ghi nhận nhiều trường hợp mắc cúm và sởi gia tăng ở nhiều nơi. Tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng, số bệnh nhân mắc sởi và cúm cũng đang có chiều hướng gia tăng.
Sởi gia tăng
Số liệu từ khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng, nếu trong tháng 1/2019 số ca mắc sởi được phát hiện và điều trị tại khoa là 3 ca thì đến tháng 2 đã lên con số 11 ca và hiện tại, khoa đang điều trị cho 9 trẻ mắc bệnh sởi, trong đó có nhiều trẻ đã bị biến chứng.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhi nhận định, giai đoạn chuyển mùa với thời tiết mưa ẩm là điều kiện rất thuận lợi để các bệnh như sởi phát triển mạnh. Nhất là bệnh rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người thì sởi càng có nguy cơ bùng phát. Với các biểu hiện như: sốt nhẹ hướng tới sốt cao; viêm long đường hô hấp; hắt hơi, sổ mũi, ho, chảy nước mắt, viêm kết mạc mắt, dử mắt, phù nhẹ mi mắt; tiêu chảy và phát ban. Trẻ bị sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy; mù mắt do loét giác mạc (nhiễm khuẩn hoặc thiếu vitamin A), suy dinh dưỡng.
Cúm mùa tiếp tục diễn biến phức tạp
Bệnh nhi Nguyễn Thái A, 3 tuổi, ở Ngô Quyền, Hải Phòng sốt cao liên tục 2 ngày, đau họng và nôn nhiều. Bệnh nhi được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng thăm khám và điều trị. Tại đây, qua các xét nghiệm xác định trẻ mắc cúm song quá trình điều trị, bệnh nhi tiếp tục sốt cao 2 ngày và đáp ứng rất kém với thuốc hạ sốt; họng sưng đỏ, có mủ. Nhờ được điều trị tích cực và kịp thời, hiện bệnh nhi đã hết sốt và mọi tình trạng của bệnh đã được kiểm soát, họng hết sưng đỏ, hết nôn.
Cùng với sởi thì cúm mùa cũng là bệnh do virus gây ra, rất dễ lây lan từ người sang người thông qua đường hô hấp, nhất là ở những địa điểm tập trung đông người. Triệu chứng của bệnh thường là sốt rất cao (39-40 độ C), đau nhức cơ toàn thân và có một trong số các biểu hiện về hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở. Một số ít bệnh nhân cúm nặng có biến chứng như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não hoặc suy các tạng.
Trước tình hình của sởi và cúm mùa đang có diễn biến phức tạp và gia tăng như hiện nay, người dân cần nâng cao ý thức phòng chống bệnh tại cộng đồng, đặc biệt với trẻ nhỏ. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, cách ly và xử lý kịp thời. Tại bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng, để khống chế bệnh sởi và cúm đang có chiều hướng phức tạp, Khoa Nhi luôn thực hiện tốt công tác khám chữa, sàng lọc, phân luồng khám bệnh, thiết lập khu điều trị riêng biệt cho bệnh nhi mắc bệnh truyền nhiễm, thực hiện nghiêm kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện, phát hiện sớm và điều trị tích cực cho các bệnh nhi ngay khi có dấu hiệu của bệnh.
Cũng qua đây, để phòng bệnh cho trẻ, mỗi bậc phụ huynh cần chủ động tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ mũi đầu khi trẻ được 9 tháng, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng. Với vắc xin tiêm phòng cúm khi trẻ 6 tháng tuổi. Vì virus cúm thường thay đổi chủng loại hằng năm nên vắc xin cúm chỉ có tác dụng đối với một chủng nhất định và chỉ có giá trị phòng bệnh trong 12 tháng nên mỗi cha mẹ đừng quên đưa trẻ đi tiêm nhắc lại vắc xin này để phòng bệnh cho con và cả cộng đồng.
Leave a reply
Leave a reply