Cứu sản phụ tiền sản giật thể nặng – Nuôi dưỡng thai nhi non tháng bằng phương pháp Kangaroo
Mới đây, Khoa Sản 2 Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng đã phẫu thuật cứu thành công ca tiền sản giật thể nặng “mẹ tròn con vuông”. Điều tuyệt vời nhất là em bé sinh non sau khi ra đời không bị tách khỏi mẹ để nuôi dưỡng trong lồng ấp mà được chăm sóc theo phương pháp ủ ấm Kangaroo bởi chính gia đình bé.
Sản phụ Nguyễn Thị H, 30 tuổi ở Kiến An, Hải Phòng có tiền sử cao huyết áp từ thời trẻ và thường xuyên phải điều trị. Lần đầu tiên mang thai, cũng chính vì huyết áp của sản phụ tăng cao, nguy cơ tiền sản giật lớn cộng thêm tiểu cầu giảm, nên các bác sĩ khoa Sản 2 đành quyết định phẫu thuật mở đình chỉ thai để bảo vệ tính mạng mẹ khi thai nhi được 27 tuần tuổi. Tuy nhiên, vì mang trong mình niềm khao khát được làm mẹ, sản phụ lại một lần nữa mang thai và tới Khoa Sản 2 nhờ các bác sĩ giúp đỡ để đứa bé có cơ hội chào đời. Thấu hiểu nỗi lòng của sản phụ, BSCKII. Trần Việt Phương đã quyết định lập kế hoạch chăm sóc thai kết hợp điều trị chống đông để tránh nguy cơ tiền sản giật cho sản phụ. Để đảm bảo phác đồ điều trị tốt nhất cho sản phụ, BSCKII. Trần Việt Phương đã tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực tim mạch. Quá trình điều trị vô cùng khó khăn vì huyết áp của sản phụ diễn biến rất thất thường, thời điềm cao nhất lên tới 220. Cuối cùng, ở tuần thứ 34 của thai kỳ, một thiên thần nhỏ đã cất tiếng chào đời trong những giọt nước mắt hạnh phúc của sản phụ và niềm hân hoan của tập thể y bác sĩ. Sau khi sản phụ H “mẹ tròn con vuông”, BSCKII. Trần Việt Phương đã tư vấn cho sản phụ và gia đình với thể trạng của sản phụ không phù hợp để mang thai thêm lần nào nữa.
Nhưng chẳng ai lường trước được chữ “ngờ” khi sản phụ lại mang thai lần thứ 3 do lỡ kế hoạch mà không hề hay biết. Tuy nhiên, với bản năng của người mẹ, một lần nữa sản phụ H lại tới Khoa Sản 2 để nhờ cậy BSCKII. Trần Việt Phương giữ lại bé. Trước tình trạng nguy cơ chồng nguy cơ khi sản phụ mắc chứng tiền sản giật cộng thêm hai vết mổ đẻ cũ, BSCKII. Trần Việt Phương đã đắn đo rất nhiều trước hai sự lựa chọn đình chỉ thai để đảm bảo an toàn cho mẹ hay cố giữ thai để sinh linh bé nhỏ có cơ hội được chào đời. Cuối cùng, trước sự khẩn thiết của gia đình sản phụ và lương tâm của một người thầy thuốc, BSCKII. Trần Việt Phương đã quyết định thêm một lần nữa đánh cuộc với tử thần. Tuy nhiên, bác sĩ Phương cũng cảnh báo rằng nếu lần này tình trạng sức khoẻ của sản phụ không thể đảm bảo được việc giữ thai thì bắt buộc phải từ bỏ thai. Khi tới tuần thứ 30, huyết áp của sản phụ tăng quá cao, lên tới 200/110, chỉ số protein trong nước tiểu lớn hơn 3 g/l, protein trong máu giảm chỉ còn 47 g/l, chỉ số albumin cũng giảm còn 24 g/l. Trước diễn biến sức khoẻ xấu của sản phụ, BSCKII. Trần Việt Phương đã quyết định đình chỉ thai. Nhưng vì khi siêu âm thai nhi quá nhỏ do suy dinh dưỡng trường diễn từ khi còn trong bụng mẹ vì sử dụng quá nhiều thuốc điều trị nội khoa, dẫn tới tuần hoàn rau thai hạn chế nhiều. Vì vậy, BSCKII. Trần Việt Phương đã quyết định kéo dài thời gian sinh để bé cứng cáp hơn. Tới khi thai nhi được 32 tuần tuổi, kết quả soi đáy mắt cho thấy sản phụ có dấu hiện phù võng mạc, thêm vào đó chỉ số tiểu cầu giảm, mặc dù đã truyền albumin để nâng đạm máu nhưng vẫn không cải thiện. Nếu còn tiếp tục giữ thai sẽ gây biến chứng sản giật, hậu quả khó lường. Tại thời điểm đình chỉ thai, siêu âm bé chỉ được 1000 – 1100 gram. BSCKII. Trần Việt Phương nhận định nếu bây giờ phẫu thuật lấy thai sẽ phải chuyển sang Bệnh viện trẻ em ngay lập tức để em bé được nuôi dưỡng sơ sinh. Tuy nhiên, trong quá trình di chuyển sẽ rất dễ xảy ra nguy cơ lây chéo. Trước tình hình đó, TS.BS Đoàn Thị Thanh Hương – chuyên gia dinh dưỡng với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh non yếu đã đề nghị nếu gia đình có thể bố trí nhân lực chăm sóc bé thì hãy giữ bé ở lại điều trị tại khoa để mẹ và bé không bị tách rời, đảm bảo cho bé được sử dụng nguồn sữa mẹ. Về phương pháp điều trị, TS.BS Đoàn Thị Thanh Hương đã áp dụng phương pháp ủ ấm Kangaroo (tên gọi khác là phương pháp chuột túi). Đây là phương pháp y học thích ứng được lựa chọn để chăm sóc trẻ đẻ non/ nhẹ cân bằng cách đặt trẻ nằm tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ hoặc người chăm sóc trẻ. Phương pháp này không chỉ giúp trẻ được giữ ấm, ổn định nhịp thở, tiếu hoá tốt, phát triển thể chất và tinh thần mà còn tạo sự gần gũi, gắn bó tình cảm mẹ con, tận dụng tối đa nguồn sữa mẹ cho trẻ. Sau khi phân tích và được sự đồng ý của gia đình sản phụ, BSCKII. Trần Việt Phương đã lập tức tiến hành phẫu thuật lấy thai để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Bằng kinh nghiệm chuyên môn và sự tận tâm tận lực, ekip phẫu thuật đã thành công đưa bé gái kháu khỉnh ra đời an toàn, “mẹ tròn con vuông”.
Ngay khi em bé vừa ra đời đã được đưa ngay vào lồng ấp nuôi dưỡng và sau đó tiếp tục được nuôi dưỡng ngoài lồng ấp theo phương pháp Kangaroo. TS.BS Đoàn Thanh Hương đã hướng dẫn gia đình sản phụ để ba, mẹ, bà nội và bà ngoại thay phiên ủ ấm bé liên tục, đảm bảo oxy và dinh dưỡng ngay từ đầu cho bé.
Do được ở gần và bú mẹ hoàn toàn, sau hai tuần cân nặng của bé đã lên 1,4kg, chỉ số sơ sinh ổn định, các phản xạ sơ sinh đều tốt. Đồng thời sức khoẻ của sản phụ H cũng đã ổn định nên được chỉ định xuất viện. Và thật đáng mừng, trong lần tái khám định kỳ mới nhất gần đây, bé đã tăng lên 1,7kg, thể lực và phản xạ sơ sinh đều phát triển khá tốt. Điều này khiến cả ba mẹ và các y bác sĩ khoa Sản 2 đều rất vui mừng. Gia đình bé đã gửi lời cảm ơn chân thành tới toàn thể y bác sĩ, điều dưỡng khoa Sản 2 vì đã tận tâm tận lực cứu chữa để thiên thần nhỏ có cơ hội chào đời. Đối với các y bác sĩ Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng, không gì quan trọng bằng tính mạng của người bệnh, nhất là những sinh linh bé nhỏ. Khi mỗi ca bệnh nặng, tưởng chừng không qua khỏi được cứu sống chính là món quà lớn nhất, niềm hạnh phúc đích thực của những người làm ngành y. Giống như BSCKII Trần Việt Phương đã nói: “Sứ mệnh của người thầy thuốc là chữa bệnh cứu người, để nỗi đau ngày một giảm đi và nụ cười nhân lên gấp bội”.
Tiền sản giật (trước đây gọi là nhiễm độc thai nghén) là biến chứng thai kỳ nghiêm trọng do huyết áp tăng cao và có các dấu hiệu tổn thương các cơ quan khác, thường là thận. Phụ nữ mang thai dù có huyết áp bình thường cũng có thể bị tiền sản giật vào tuần thứ 21 của thai kỳ. Huyết áp tăng nhẹ cũng có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến sản giật gây những biến chứng nguy hiểm cho tính mạng của mẹ và bé. Từ trường hợp của sản phụ H, BSCKII Trần Việt Phương cũng khuyến cáo các sản phụ nên khám thai định kỳ đầy đủ tại các cơ sở y tế uy tín để có thể theo dõi tình hình sức khoẻ của mình và thai nhi. Bởi trong quá trình thai nghén chúng ta không thể lường hết được những bất thường. Việc khám thai định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm để có biện pháp phòng ngừa, điều trị hiệu quả, giảm khả năng biến chứng của bệnh, tránh ủ bệnh dẫn tới tình trạng nghiêm trọng.
Leave a reply
Leave a reply