Đau lưng – Coi chừng trượt đốt sống thắt lưng
Trượt đốt sống tuy không đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhưng bệnh lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân bị trượt đốt sống cần được phát hiện và điều trị sớm, không nên chủ quan và xem nhẹ các triệu chứng bệnh.
Bệnh nhân nữ, 52 tuổi, ở Bình Giang, Hải Dương vào viện vì đau cột sống thắt lưng lan xuống 2 chân nhiều tháng nay, bệnh nhân đã đi khám và điều trị nội khoa nhiều nơi nhưng không đỡ. Hiện tại, bệnh nhân đau nhiều cột sống thắt lưng kèm đau và tê lan xuống chân, đi bộ được khoảng 50m là phải dừng lại nghỉ do đau xuống chân ( dấu hiệu đau thần kinh cách hồi). Bệnh nhân đã được các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình khám và chẩn đoán: Trượt đốt sống L4 do hở eo – Thoát vị đĩa đệm L45 (Thoát vị đĩa đệm nằm giữa 2 đốt sống L4 và L5)
Nhanh chóng, bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp: Phẫu thuật cố định cột sống L45, giải ép thần kinh, nắn trượt đốt sống, hàn xương liên thân đốt L45. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi theo đúng kế hoạch. Sau phẫu thuật, bệnh nhân hết đau và tê chân, có thể đeo đai hỗ trợ và tập phục hồi chức năng ngay ngày thứ 2 sau mổ.
Theo Bs. Nguyễn Mạnh Thuần – trưởng kíp phẫu thuật: Trượt đốt sống là tình trạng dịch chuyển của đốt sống trên so với đốt sống bên dưới, tỷ lệ mắc bệnh là từ 2-4% và tỉ lệ nam/nữ ~ ¼. Bệnh thường xuất hiện các triệu chứng đầu tiên là đau âm ỉ vùng cột sống thắt lưng nên rất dễ bị bỏ sót và đến khi đau nhiều bệnh nhân đến khám thì thường đã trượt nặng và đã có các dấu hiệu về tổn thương thần kinh nên thường phải can thiệp bằng phẫu thuật. Nếu bệnh nhân đến khám phát hiện sớm thì có thể có các phương pháp điều trị khác mà không cần phải phẫu thuật.
Chỉ định phẫu thuật bệnh lí trượt đốt sống
- Điều trị nội khoa thất bại: đau cột sống, đau rễ thần kinh
- Tổn thương rễ thần kinh
- Trượt tiến triển
Trượt đốt sống cần phát hiện sớm và có những phác đồ điều trị thích hợp ngay từ đầu để giảm những di chứng không đáng có của bệnh.
Leave a reply
Leave a reply