ĐAU NGỰC, ĐẶC BIỆT ĐAU NGỰC CẤP TÍNH LÀ TRIỆU CHỨNG KHÔNG THỂ BỎ QUA
Bệnh nhân nam, 76 tuổi có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, rối loạn mỡ máu, trước ngày vào viện xuất hiện đau ngực trái thành cơn, nghỉ ngơi đỡ đau. Ngày nay, bệnh nhân đau ngực liên tục, dữ dội, khó thở, vã mồ hôi, được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng.
Tiếp nhận người bệnh trong tình trạng da tái, tim nhịp chậm, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, mệt nhiều, khó thở, bóp nghẹt ngực, huyết áp tụt 71/47 mmHg, M: 51 l/p. Kết quả điện tim nhịp chậm xoang, tăng gánh thất trái, ST chênh lên nhiều vùng sau dưới, siêu âm tim giảm vận động cơ tim vùng mỏm thành sau và thành thất bên trái, bác sĩ chẩn đoán người bệnh nhồi máu cơ tim cấp vùng sau dưới, tiên lượng rất nặng.
Nhanh chóng người bệnh được chuyển can thiệp cấp cứu, đặt ống nội khí quản trước can thiệp. Chụp mạch vành qua da phát hiện người bệnh tổn thương nặng 3 thân mạch vành, xơ vữa hẹp 40% LM đoạn xa, hẹp 90% động mạch liên thất trước LAD1, 40% LADII, hẹp 95% Diag 1, hẹp 90% LAD III, xơ vữa hẹp 99% động mạch mũ LCx I-II, 80% LCx II đoạn xa, xơ vữa hẹp 99% động mạch vành phải RCA I-II. Cùng sự nỗ lực chạy đua với của kíp can thiệp với tiêu chí thời gian là vàng , bác sĩ đã đặt thành công 3 stent LCx I-II và RCA I-II. Sau can thiệp huyết động bệnh nhân ổn định trở lại, hết đau ngực.
Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sát tại Khoa Tim mạch – Đột quỵ. Ngày thứ 7 sau can thiệp, bệnh nhân đột ngột đau ngực trái dữ dội, điện tim phát hiện T khổng lồ V2-V4, chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp vùng trước rộng. Ngay trong đêm, đội ngũ bác sĩ tiến hành chụp động mạch vành qua da cấp cứu, kết quả chụp: Stent RCA I-II và LCx I-II thông tốt, tắc mới hoàn toàn LAD III. Kíp can thiệp xử trí tiến hành đặt 3 stent vị trí LM-LAD I-II-III thành công. Sau can thiệp, bệnh nhân hồi phục nhanh, cải thiện hoàn toàn triệu chứng đau ngực và đẩy lùi nguy cơ tắc nghẽn mạch vành gây nhồi máu cơ tim cấp.
Theo ThS. BSNT Vũ Học Huấn – Trưởng Khoa Tim mạch đột quỵ, nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ, nhưng có những trường hợp được cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày bằng các dấu hiệu đặc trưng như: Đau thắt ngực tái phát, đau vùng ngực khi hoạt động gắng sức, cơn đau giảm khi nghỉ ngơi. Khi cơn nhồi máu cơ tim cấp xảy ra, việc can thiệp kịp thời để tái thông lòng mạch nhằm phục hồi dòng máu nuôi tim sẽ giúp ngăn ngừa tổn thương mô cơ tim.
Qua đây bác sĩ cũng khuyến cáo, bệnh nhân sau đặt stent cần uống thuốc và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ; đồng thời có chế độ ăn uống khoa học, lối sống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên… phòng nguy cơ tái phát nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch.
Leave a reply
Leave a reply