Gắp thành công con vắt rừng sống trong mũi người bệnh
Bị ngạt mũi, chảy máu mũi một bên suốt 1 tháng liền, bệnh nhân nam quê ở Hà Giang đã đến Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng thăm khám. Sau khi kiểm tra và tiến hành nội soi, bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng phát hiện có dị vật sống bám ở khe giữa mũi trái của bệnh nhân. Ngay sau đó, bác sĩ thực hiện gắp dị vật ra ngoài và vệ sinh sạch sẽ vùng mũi họng cho người bệnh. Dị vật gắp ra được xác định là một con vắt dài 6 cm, còn sống và trong tình trạng hút căng máu.
Qua khai thác tiền sử được biết, 1 tháng trước bệnh nhân về quê, tắm suối rồi xuất hiện tình trạng ngạt mũi, chảy máu mũi. Đây có thể là nguyên nhân khiến con vắt chui vào cơ thể của người bệnh. Nếu không được khám và xử lý kịp thời, con vắt sẽ ngày càng to gây nghẽn khí quản, suy hô hấp… và để kéo dài có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Vắt là loài vật thường xuất hiện ở các vùng núi, có trong nước ở suối, rừng. Thời gian đầu vắt thường có kích thước rất bé, mắt thường khó phát hiện, nhưng sau khi hút máu, kích thước sẽ phát triển rất nhanh. Nhiều người dân dùng tay vốc nước suối uống, con vắt suối chỉ nhỏ như sợi chỉ nên lẫn vào nước không để ý. Khi uống vào thường sẽ bám ngay ở hạ họng – thanh quản, hút máu lớn dần bằng ngón tay, lúc đó sẽ gây ra triệu chứng vướng họng, khó thở. Soi kiểm tra nhiều khi không thấy được vì con vắt nấp trong các khe hốc, phải soi khám nhiều lần mới có thể phát hiện. Bác sĩ cảnh báo người dân khi đi rừng, suối không nên rửa mặt, uống nước suối, cẩn thận tắm suối. Đáng chú ý, khi thấy mũi, họng có biểu hiện bất thường thì phải nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra.
Leave a reply
Leave a reply