Giúp người bệnh thoát sỏi bàng quang khổng lồ
Bệnh nhân nam 57 tuổi nhiều tháng nay đau hạ vị, tiểu buốt, tiểu rắt kéo dài, tự ý dùng thuốc nhưng không đỡ. Người bệnh ngày càng đau tăng lên kèm tiểu buốt rắt rất nhiều, bệnh nhân vào Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng thăm khám. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, bác sĩ phát hiện người bệnh có sỏi bàng quang lớn, kích thước 10x8cm. Bàng quang bị viêm nặng, niêm mạc phù nề và thành bàng quang dày lên, niệu quản và bể thận cũng đã bắt đầu có biểu hiện bị ứ đọng nước tiểu lâu ngày và bị giãn.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật để lấy sỏi bàng quang. Thông thường nếu viên sỏi bàng quang có kích thước dưới 3 hoặc 4cm thì các bác sĩ sẽ dùng kỹ thuật tán sỏi nội soi bằng laser, viên sỏi sẽ được tán nhỏ ra và các mảnh vụn sẽ được lấy ra qua đường niệu đạo, bệnh nhân không có vết mổ và sau phẫu thuật hầu như không đau và phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên ở bệnh nhân này sỏi bàng quang có kích thước “khổng lồ”, quá lớn nên không còn chỉ định tán sỏi và bắt buộc phải phẫu thuật, mở rộng bàng quang để lấy toàn bộ viên sỏi ra ngoài. Viên sỏi được lấy ra có kích thước 10x8cm, nặng gần 400g, quá trình phẫu thuật gặp khó khăn do thành bàng quang viêm rất dày, niêm mạc viêm phù nề dễ chảy máu do sỏi quá lớn và nằm lâu ngày trong lòng bàng quang. Tuy nhiên với tay nghề dày dặn kinh nghiệm và trình độ chuyên môn vững chắc, đội ngũ bác sĩ Khoa Ngoại thận tiết niệu và nam học của Bệnh viện đã thực hiện thành công. Sau mổ, người bệnh sức khỏe phục hồi, vết mổ khô liền tốt.
Theo TS.BSNT Phạm Việt Hà – Giám đốc chuyên môn hệ Ngoại, Trưởng Khoa Ngoại Thận tiết niệu – Nam học, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng: Bàng quang là cơ quan chứa đựng nước tiểu do 2 quả thận tiết ra và từ đó thoát ra ngoài qua tiểu tiện. Sự ứ đọng nước tiểu do không thể đào thải hết nước tiểu khỏi bàng quang lâu ngày sẽ gây sỏi bàng quang. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, sỏi bàng quang sẽ gây ra những biến chứng nặng như: Rối loạn tiểu tiện, bí tiểu, viêm bàng quang (cấp hoặc mãn tính); nhiễm trùng tiểu, suy thận, thậm chí viêm nhiễm bàng quang lâu ngày, mạn tính sẽ dẫn tới ung thư bàng quang. Vì vậy khi người bệnh gặp các triệu chứng của bệnh sỏi đường tiết niệu như: Đau vùng thắt lưng hoặc hạ vị, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu… cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, phát hiện sớm bệnh và được tư vấn phương pháp điều trị kịp thời, đừng để muộn và sỏi quá lớn như trường hợp trên, việc điều trị sẽ phức tạp và gặp nhiều tai biến hơn.
Leave a reply
Leave a reply