Mổ lấy thai “mẹ tròn con vuông” cho sản phụ mang song thai, thiếu máu tại khoa sản 2

Sản phụ H.T.D, 27 tuổi, ở Tân Dương, Thủy Nguyên, Hải Phòng đến khám và nhập viện sinh tại Khoa Sản 2, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng trong tuần thai 37. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám và chỉ định làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy: sản phụ mang song thai hai bé trai trên nền bệnh nhân bị thiếu máu (chỉ số HGB là 80 g/l trong khi bình thường ở phụ nữ là 120 -150 g/l). Qua tiền sử được biết ở lần sinh đầu, sản phụ đã từng sinh mổ. Lần mang thai thứ hai này, sản phụ mang song thai tự nhiên tuy nhiên chỉ đi khám ở phòng khám tư gần nhà, không làm xét nghiệm nên không biết mình có thiếu máu.

Chửa song thai vốn đã có thêm cho mẹ nhiều nguy cơ như: hội chứng truyền máu có thể gây ra chết lưu một thai; hai thai dính nhau (nếu sớm chung nhau một buồng ối)….Ngoài ra còn mang đến cho mẹ nhiều khó khăn, mệt mỏi: nghén nặng hơn, tử cung lớn hơn gây nặng nề, khó thở; chưa kể đến nếu đa ối (song thai đa phần kèm đa ối) thì tình trạng nặng nề, khó thở càng tăng lên. Trong chuyển dạ đẻ song thai thì các nguy cơ như: đờ tử cung sau đẻ (do căng giãn quá mức và kéo dài của việc mang hai thai và nhiều ối) dẫn đến băng huyết nặng khó cầm ngay sau sinh. Nguy cơ băng huyết có thể kéo dài những ngày sau đó do đờ tử cung thứ phát tiếp diễn. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những nguy cơ đối với người khỏe mạnh mang thai còn đối với bệnh nhân có sẵn thiếu máu như sản phụ H.T.D thì nguy cơ chảy máu trong thời kì hậu sản cao hơn rất nhiều cộng với tình trạng nhiễm khuẩn sau sinh; hậu sản vết mổ khó liền (do việc nuôi dưỡng vết mổ kém hơn).

Xác định được những nguy cơ trên, các bác sĩ khoa sản 2 đã tiến hành hội chẩn, quyết định mổ lấy thai, chủ động dự phòng truyền máu trong mổ, ngăn chặn những nguy cơ xấu nhất cho bệnh nhân. Sáng ngày 12/4, ca phẫu thuật do BSCKII Trần Thị Việt Phương -Trưởng khoa Sản 2 trực tiếp thực hiện. Quá trình phẫu thuật, ca mổ diễn ra khá khó khăn do vết mổ của lần mổ đẻ trước dính (khai thác từ bệnh nhân, vết mổ lần đầu nhiễm trùng); bàng quang treo cao che lấp đoạn dưới tử cung – đoạn sẽ mổ vào lấy thai; sẹo mổ đã giãn rất mỏng. Nhưng với bàn tay khéo léo của các bác sĩ Khoa sản 2, kíp mổ đã diễn ra an toàn; tử cung co kém đã được sử dụng các thuốc co tử cung tốt nhất nên thoát được nguy cơ đờ tử cung. Trong mổ đã truyền 350ml khối hồng cầu, các bác sĩ đã tiết kiệm tối đa lượng máu bị mất trong mổ, bảo vệ an toàn cho cả mẹ và bé. Hai bé trai khỏe mạnh lần lượt chào đời với cân nặng 3kg và 2,8kg. Sau mổ, sản phụ tỉnh táo, giao tiếp tốt với bác sĩ.

  

Theo theo thống kê của WHO cho thấy, 42% phụ nữ mang thai bị thiếu máu trên toàn thế giới, 90% trong số họ đến từ các nước đang phát triển. Thai phụ mang thai đi kèm thiếu máu sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến thai kì và sinh nở. Muốn biết mức độ thiếu máu thì việc tuân thủ xét nghiệm trong quản lý thai kì là vô cùng quan trọng. Để quá trình sinh nở được diễn ra thuận lợi và an toàn, sản phụ nên đến khám quản lý thai định kỳ để theo dõi, phát hiện sớm và có phương pháp điều trị hiệu quả.

Phụ nữ có thai được coi là thiếu máu khi hàm lượng Hemoglobin (HGB) trong máu thấp < 120 g/l. Đây là tình trạng cơ thể không có đủ lượng sắt cần thiết để tạo Hemoglobin – một protein quan trọng của hồng cầu. Thiếu máu không chỉ ảnh hưởng không tốt đến thai phụ mà còn gây ra nhiều hậu quả xấu cho thai nhi sau này.

Leave a reply