Nắng nóng, bệnh cúm gia tăng bất thường

Thời gian qua, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp mắc cúm. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, số ca mắc cúm phải vào viện điều trị tại Khoa Nội tổng hợp, bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng lên đến gần 400 ca. Ngay trong thời điểm hiện tại, các trường hợp mắc cúm vẫn có dấu hiệu gia tăng.

Bệnh cúm là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nhiều loại vi-rút cúm gây ra và có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường xảy ra theo mùa. Triệu chứng của cúm có thể khác nhau giữa người này và người khác nhưng thường bao gồm các triệu chứng sau: sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.

Ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng, bên cạnh nhiều ca mắc cúm nhẹ được điều trị ngoại trú thì nhiều ca nhiễm cúm nặng phải vào viện là các bệnh nhân có nền bệnh tật phức tạp, mắc nhiều bệnh phối hợp khác như: đái tháo đường; tăng huyết áp; tim mạch, thận… Đây là những đối tượng khiến bệnh diễn biến nhanh, trở nặng, thậm chí có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Trước đó, các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng cũng đã phải xử lý rất nhiều ca bệnh nặng do cúm gây ra. Bệnh phổ biến nhất là cúm A và cúm B; chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, số ca mắc cúm được điều trị nội trú tại Khoa Nội tổng hợp lên đến 400 ca. Con số cũng được thống kê ngay trong ngày, có đến gần chục trường hợp nhiễm cúm đang phải nằm viện điều trị tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng. Theo nhận định của các chuyên gia, thời tiết đang nóng như hiện nay mà cúm vẫn xảy ra và còn tăng cao là điều đáng ngạc nhiên.

Bác sĩ NT Hoàng Thị Thanh Tú (khoa Nội) thăm khám cho bệnh nhân mắc cúm đang điều trị nội trú

Bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và gây thành dịch. Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua không khí, nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa vi rút cúm qua ho, hắt hơi. Đồng thời, nó nguy hiểm bởi đặc tính biến đổi thường xuyên của các chủng vi rút mới như: thay đổi cách lây lan; kháng lại các kháng thể của cơ thể…Vì vậy, nếu nhiễm một biến chủng vi rút mới, cơ thể chúng ta lại phải bắt đầu lại quy trình tạo kháng thể. Điều này là mối đe dọa rõ ràng nhất cho sức khỏe của con người.

Tiêm phòng vắc xin là biện pháp chủ yếu đề phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin cúm phụ thuộc vào tuổi tiêm và đáp ứng miễn dịch của người được tiêm vắc xin, mức độ giống nhau giữa thành phần vi rút của vắc xin và các vi rút hiện đang lưu hành. Do vi rút hay thay đổi tính chất kháng nguyên nên vai trò của việc tiêm chủng hàng năm là rất quan trọng. Những người nên tiêm vắc xin cúm hàng năm là những người có nguy cơ mắc bệnh cúm và có nguy cơ có biến chứng cao của bệnh cúm như đã đề cập ở trên. Ngoài ra, khi thấy có triệu chứng của cúm, người dân nên đi khám sớm để phát hiện ra bệnh, có hướng điều trị kịp thời. Với những trường hợp cúm nặng, có biến chứng thì cần nhập viện để cách ly, chăm sóc và điều trị tăng cường, giảm mức độ diễn biến nặng của bệnh.

 

 

Leave a reply