Nhồi máu cơ tim cấp, nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện, chẩn đoán và cấp cứu kịp thời
Nhiều ngày trước vào viện, bệnh nhân nam, 55 tuổi xuất hiện đau ngực phía sau xương ức lan dọc lên cổ, tăng lên khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi, mỗi cơn đau kéo dài khoảng 20 phút. Ngày nay, bệnh nhân đau ngực nhiều, khó thở, được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng. Qua kết quả cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị nhồi máu cơ tim không ST chênh lên, có chỉ định chụp và can thiệp động mạch vành qua da.
Kết quả chụp động mạch vành qua da tương đồng với dự đoán: Hẹp 90% thân chung động mạch vành trái, hẹp 80% LAD I-II, hẹp 50% Diag 1, xơ vữa hẹp 80% động mạch vành phải RCA II. Nhanh chóng, người bệnh được kíp can thiệp tiến hành đặt 2 Stent LM -LAD I-II, cứu vãn dòng chảy, tái tưới máu lại cơ tim. Sức khỏe bệnh nhân trong và sau can thiệp ổn định, người bệnh đã đỡ đau ngực, không còn khó thở, các chỉ số hồi phục, được ra viện và chỉ định sử dụng thuốc, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
ThS. BSNT Vũ Học Huấn – Trưởng Khoa Tim mạch, Đột quỵ cho biết: Thân chung động mạch vành trái là đường cung cấp 70-80% lượng máu đến tim, trường hợp bệnh nhân là tắc gần như hoàn toàn, thuộc dạng nguy cấp, có thể tử vong bất kì lúc nào. Việc can thiệp đặt stent xử trí Thân chung động mạch vành trái cũng là can thiệp có độ khó cao, đòi hỏi bác sĩ phải thao tác cẩn trọng, khéo léo và rất thận trọng..
Qua đây, bác sĩ cũng khuyến cáo, để đề phòng các cơn đột quỵ hay nhồi máu cơ tim, ngoài việc thay đổi lối sống, ăn uống điều độ, lành mạnh và tập thể dục thường xuyên thì mọi người cần lưu ý đi khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt nếu có các vấn đề sức khỏe như: Béo phì, tiểu đường, cao huyết áp… thì phải chú ý kiểm tra tim mạch thường xuyên. Ngoài ra, khi thấy đau thắt vùng ngực thì nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám bác sĩ ngay, càng nhanh càng tốt.
Leave a reply
Leave a reply