Những điều cần biết về bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Bệnh sẽ gây nguy hiểm nếu không biết cách phát hiện sớm, phòng tránh và điều trị kịp thời.
Bệnh lây qua đường tiêu hóa (phân, chất nôn) nên rất dễ gây thành dịch.
Triệu chứng:
– Trẻ bị bệnh thường có tiếp xúc với các trẻ khác bị bệnh trước đó.
– Sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, có thể gặp tiêu chảy vài lần trong ngày.
– Phát ban dạng phỏng nước vị trí ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối.
– Loét miệng: do các phỏng nước vỡ ra ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi gây đau miệng bỏ ăn, tăng tiết nước bọt.
– Thông thường bệnh diễn biến lành tính, các ban tồn tại trong thời gian ngắn dưới 7 ngày sau đó để lại vết thâm.
– Một số ít các trường hợp có biến chứng nguy hiểm: như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp … Khi đó trẻ thường đau đầu nhiều, sốt cao liên tục, nôn, li bì, co giật…
Các dấu hiệu cảnh báo (bệnh nặng)
– Sốt cao liên tục trên 39 độ không đáp ứng với thuốc hạ sốt
– Giật mình chới với, rùng mình
– Yếu – liệt chi
– Khò khè thở mệt, khó thở
– Thay đổi tri giác
Triệu chứng bệnh tay chân miệng rất dễ nhận biết, vì vậy cha (mẹ) thấy nghi ngờ nên cho các con đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi ngay để được chẩn đoán và phân loại bệnh từ đó có hướng điều trị và được hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi đúng.
Chia sẻ: Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hưng, Khoa Nhi BV ĐKQT Hải Phòng.
Leave a reply