Những nguyên tắc chữa trị ho cho trẻ các bậc cha mẹ nên biết
Sức đề kháng của trẻ còn kém nên rất dễ bị ho do nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi trẻ ho thường gây nôn trớ, mất nước, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài còn biến chứng thành viêm đường hô hấp dưới… khiến các bậc cha mẹ lo lắng.
Dưới đây là 3 nguyên tắc chữa trị ho nhằm hạn chế biến chứng nguy hiểm cho trẻ hiệu quả.
Không nên lạm dụng thuốc kháng sinh
Ho chủ yếu là do virus gây ra nên sử dụng kháng sinh trong trường hợp này có thể không có tác dụng. Đặc biệt, việc dùng thuốc đối với trẻ sơ sinh phải hết sức thận trọng do có thể gây ra các tác dụng không mong muốn cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của trẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy – Trưởng bộ môn Nhi Đại học Y Hà Nôi – Phó trưởng khoa Miễn dịch dị ứng Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: “Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng đối với các bệnh do vi trùng, không có tác dụng đối với các bệnh do siêu vi (virus). Vì vậy, hầu hết các trường hợp sốt do siêu vi, viêm họng, nhiễm khuẩn hô hấp trên, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy… thì không nên dùng kháng sinh. Thuốc kháng sinh ngoài tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh thì còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi. Vì vậy, nếu sử dụng kháng sinh quá nhiều thì cơ thể sẽ dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn hơn.”
Kháng sinh sử dụng bừa bãi thường gây tác dụng phụ như: tiêu chảy, ói, dị ứng, sốc phản vệ thậm chí tử vong. Nguy hiểm hơn, lạm dụng kháng sinh dễ dẫn đến đề kháng kháng sinh (hay còn gọi là lờn kháng sinh), về sau khi cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi trùng gây bệnh thì nó không còn tác dụng nữa, người bệnh sẽ dễ bị nguy cơ bệnh nặng hơn và có thể gây tử vong.
Có nhiều triệu chứng bệnh ở trẻ là phản ứng có lợi để giúp chống lại nhiễm trùng, như chứng ho ở trẻ. Ho không phải là bệnh mà là cơ chế giúp tống vi trùng, virus, chất nhầy ra khỏi phế quản, giúp bảo vệ họng và phổi. Ho có thể là triệu chứng của cảm lạnh thông thường hoặc là biểu hiện của nhiễm khuẩn đường hô hấp như: viêm mũi họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiêu phế quản hoặc viêm phổi.
Mẹ chỉ nên cho bé sử dụng kháng sinh để điều trị ho khi bác sĩ khám và chắc chắn rằng nguyên nhân gây ho là do vi khuẩn. Sử dụng kháng sinh cũng cần phải thật thận trọng, đúng chỉ định, đúng liều dùng như đơn kê của bác sĩ.
Giữ ấm cho bé thời điểm giao mùa
Thời tiết giao mùa là lúc vi khuẩn, virus tấn công cơ thể non nớt của bé, mẹ cần phải bảo vệ bé khỏi những tác nhân bên ngoài. Đặc biệt trời chuyển lạnh trẻ cần được giữ ấm, nhất là vùng cổ, họng, tay, chân…
Nên điều chỉnh nhiệt độ phù hợp vào ban đêm, tránh để nhiệt độ trong phòng chênh lệch quá nhiều so với bên ngoài. Mẹ cũng không nên mặc quá ấm cho bé, việc này có thể khiến bé ra mồ hôi ngấm vào người gây viêm phổi…
Ngoài việc giữ ấm cho trẻ thời điểm giao mùa, mẹ cần phải nghĩ cách tăng cường sức đề kháng cho bé, bảo vệ hệ miễn dịch khỏe mạnh cho trẻ bằng nhiều cách như bổ sung nguồn thực phẩm dinh dưỡng, đặc biệt là sữa mẹ, tiêm chủng đầy đủ theo lịch trình…
Điều trị ho kịp thời và dứt điểm
Nhiều người khi thấy trẻ có dấu hiệu thuyên giảm thì không cho bé dùng thuốc nữa. Đây là sai lầm nghiêm trọng khiến bé bị ho tái phát và nặng thêm. Bởi có thể vi khuẩn và virus gây bệnh chưa được tiêu diệt hoàn toàn mà mới chỉ tiêu diệt một phần mà thôi. Do đó, sau khi thấy trẻ hết ho nên cho bé uống thêm 2-3 ngày nữa cho khỏi hẳn.
Trẻ bị ho có thể là triệu chứng viêm họng hay một số bệnh khác, nếu đã dùng nhiều cách mà dấu hiệu bệnh không giảm thì nên đưa bé đi gặp bác sĩ ngay.
“Nguồn tham khảo: Sức khoẻ và đời sống”
Leave a reply
Leave a reply