Phẫu thuật kết hợp xương dưới màn hình tăng sáng cấp cứu kịp thời bé gái bị ngã biến dạng khuỷu tay
Trong vài năm gần đây tại Việt Nam, phương pháp phẫu thuật kết hợp xương dưới màn hình tăng sáng đã mở ra cuộc cách mạng cho điều trị gãy xương nói chung và gãy xương dài ở trẻ em nói riêng. Đây là phương pháp phẫu thuật hoàn toàn mới, với những điểm ưu việt hơn rất nhiều so với phương pháp phẫu thuật mổ mở thông thường.
Mới đây, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng – Vĩnh Bảo đã phối kết hợp với Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng phẫu thuật cấp cứu kịp thời cho bé gái bị ngã gãy kín trên lồi cầu xương cánh tay.
Tối ngày 24/07/2020, bé Đ.H.D, 5 tuổi được gia đình đưa tới Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng – Vĩnh Bảo cấp cứu trong tình trạng sức khỏe rất yếu, vùng khuỷu tay phải biến dạng sưng đau, bầm tím nhiều. Qua thăm khám, bé D thậm chí không thể cử động được tay phải, mất cảm giác và không duỗi được các ngón tay, mạch quay bắt khó. Theo thông tin gia đình bé cung cấp, bé D bị tai nạn giao thông khi được bà nội chở bằng xe đạp điện. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng chấn thương nghiêm trọng này là do khi ngã bé đã chống tay phải xuống đường. Ngay lập tức, bác sĩ đã tiến hành chụp X-quang khuỷu tay phải của bé và phát hiện bé D bị gãy trên lồi cầu xương cánh tay phải di lệch hoàn toàn.
Hình ảnh chụp X-quang khuỷu tay phải bị gãy trên lồi cầu di lệch hoàn toàn của bé D.
Theo Bác sĩ Dương Quốc Oai – khoa Ngoại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng – Vĩnh Bảo: Tình trạng gãy trên lồi cầu xương cánh tay là một trong những chấn thương thường gặp ở trẻ em, và thường xảy ra trong lứa tuổi từ 5-12 tuổi. Bệnh này nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng cấp ngay sau chấn thương như: Gãy xương hở (đầu xương đâm ra da) nguy cơ nhiễm trùng, đụng dập mạch máu thần kinh (gây ra liệt mất vận động, mất cảm giác, hoại tử cẳng bàn tay), chèn ép khoang cấp…. Nếu điều trị không phù hợp có thể gây một số hậu quả lâu dài về sau: Khuỷu tay biến dạng vẹo vào trong, khuỷu tay biến dạng vẹo ngoài, hội chứng Volkmann (co rút gân cơ vùng cẳng tay), viêm xương mãn tính.
Vì tình trạng nguy hiểm của bé, ngay sau khi kết luận bệnh trạng, bác sĩ Dương Quốc Oai đã quyết định phải lập tức phẫu thuật cấp cứu cho bé. Có hai phương pháp phẫu thuật được đưa ra là mổ mở và mổ kín ( nội soi ) kết hợp xương trên C-Arm. Với sự tư vấn trực tiếp của Bác sĩ Dương Quốc Oai, gia đình bé quyết định chọn phương pháp phẫu thuật kết hợp xương dưới màn hình tăng sáng. Vì so với mổ mở thì phương pháp này đảm bảo tính an toàn, ít tổn hại phần mềm xung quanh, thời gian mổ ngắn, bộc lộ chính xác vị trí ổ gãy, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, giảm số ngày nằm viện sau mổ, giảm đau trong mổ và sau mổ tốt hơn, tạo điều kiện tập phục hồi chức năng sớm, bệnh nhân sớm trở lại sinh hoạt bình thường.
Đặc biệt khi phẫu thuật bằng phương pháp này bệnh nhân không phải mổ lại lần hai để rút đinh như phương pháp mổ mở cũ, giúp giảm thiểu chi phí y tế cho người bệnh.
Ca phẫu thuật cấp cứu cho bé D được bắt đầu ngay lập tức với sự thực hiện của bác sĩ Dương Quốc Oai – khoa Ngoại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng – Vĩnh Bảo, bác sĩ Phạm Văn Yên – khoa Ngoại Nhi Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng, cùng ekip gây mê. Bằng kinh nghiệm chuyên môn dày dặn, sau 30 phút ca phẫu thuật đã thành công như mong đợi. Trục xương cánh tay phải của bé D đã được cố định thẳng, mạch quay bắt rõ trở lại.
Hình ảnh C-arm vùng khuỷu tay phải của bé D sau phẫu thuật.
Quá trình hồi phục của bé vô cùng khả quan khi chỉ một ngày sau phẫu thuật, bé đã có thể cảm nhận và duỗi thẳng được các ngón tay. Tới ngày 01/08/2020, sức khỏe của bé đã ổn định hoàn toàn, bé được xuất viện trong sự phấn khởi của gia đình và toàn thể y bác sĩ bệnh viện.
BSCKII.Phạm Văn Điệp – Trưởng khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng
khám sau mổ cho bé D.
Đây là một ca bệnh có ý nghĩa rất lớn cho sự hợp tác của hai bệnh viện: Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng và Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng – Vĩnh Bảo. Tuy chỉ vừa khai trương và đi vào hoạt động chưa đầy một tháng, nhưng Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng – Vĩnh Bảo luôn cố gắng cung cấp những dịch vụ y tế chất lượng cao, mang lại cho người dân sự phục vụ tốt nhất. Qua việc phối kết hợp trong xử trí và điều trị, đặc biệt là với những trường hợp cấp cứu như ca bệnh trên, hai bệnh viện đã nâng nguyên tắc “Văn hóa bệnh viện” ”Hợp tác, sát cánh vì một mục tiêu tối thượng là chất lượng điều trị” lên một tầm cao mới. Giờ đây, sự hợp tác không còn nằm trong phạm vi một bệnh viện, mà là sự hợp tác rộng lớn hơn, kết nối chặt chẽ giữa các bệnh viện trong hệ thống, liên kết bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện tuyến thành phố thành một mạng lưới, hướng tới mục đích cuối cùng là đảm bảo sự phục vụ hoàn hảo nhất cho nhân dân.
Leave a reply
Leave a reply