Phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa chẩn đoán, điều trị và phẫu thuật bảo tồn ngón tay thành công ca bệnh viêm bao hoạt dịch gân gấp ngón tay do lao
Từ năm 1905 tác giả Kanavel chỉ ra căn bệnh viêm bao hoạt dịch gân gấp ngón tay do nhiễm trùng (phlegmons of flexor tendon sheaths). Viêm bao hoạt dịch gân gấp là tình trạng viêm lan tỏa theo đường đi của bao hoạt dịch bao gân gấp từ nền cổ tay cho đến đầu ngón tay, dẫn tới viêm toàn bộ bao gân gây chít hẹp bao gân ảnh hưởng trực tiếp tới vận động của bàn tay, hạn chế khả năng lao động. Nguy hiểm hơn, nếu để tình trạng viêm nhiễm lâu ngày sẽ dẫn tới toàn bộ cẳng, bàn tay bị nhiễm trùng và chức năng bị suy giảm nghiêm trọng, có thể phải tháo bỏ khớp và nhiễm khuẩn huyết đe dọa tính mạng cho người bệnh.
Hiện nay, tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê về bệnh này, nhưng tình trạng viêm gân gấp ngón tay do nhiễm khuẩn gặp nhiều ở những người lao động chân tay, lạm dụng tình trạng tiêm khớp, tiêm bao gân không an toàn, ở những người có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, hút thuốc lá… Căn nguyên gây bệnh thường gặp là do nhiễm khuẩn tụ cầu vàng, vi khuẩn gram âm, trực khuẩn lao… Việc xác định chẩn đoán và tìm căn nguyên gây bệnh đôi khi gặp nhiều khó khăn, dễ bỏ qua và còn là thách thức với bác bác sĩ đa khoa, thậm chí các bác sĩ chuyên khoa và các tuyến cơ sở y tế. Sự phối hợp chặt chẽ các chuyên khoa nội, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật chỉnh hình và xét nghiệm (vi sinh, giải phẫu bệnh) sẽ giúp cho người bệnh có được chẩn đoán xác định nhanh chóng và biện pháp điều trị tối ưu.
Mới đây, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng đã chẩn đoán và điều trị thành công một ca viêm bao hoạt dịch gân gấp ngón tay do lao ở thể nặng. Bệnh nhân là ông Nguyễn Minh T, nam giới 51 tuổi, nghề nghiệp nông dân. Bệnh nhân T nhập viện ngày 04/08/2020 trong tình trạng toàn bộ ngón 3 tay trái sưng đau nóng đỏ, phù nề nhiều và cử động gấp duỗi rất khó khăn. Trước đó, bệnh nhân đã đi khám và điều trị nhiều nơi cả bệnh viện tuyến Trung ương. Bệnh nhân đã được tiêm thuốc, châm cứu vào vị trí sưng đau vài lần. Sau mỗi đợt điều trị, bệnh nhân có đỡ sưng đau trong vài ngày, nhưng triệu chứng lại tái phát và tiến triển ngày một nặng hơn. Thậm chí bệnh nhân đã muốn được tháo bỏ khớp ngón tay đi vì đau đớn.
Kết quả siêu âm và chụp cộng hưởng từ cho thấy, bao gân gấp và phần mềm ngón 3 tay trái của bệnh nhân bị tổn thương nặng, có dịch bao quanh. Dựa trên kết quả siêu âm và chụp chiếu, xét nghiệm máu và xét nghiệm dịch bao gân, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm bao hoạt dịch gân gấp và phần mềm ngón tay, nguyên nhân được chẩn đoán ban đầu có thể do nhiễm khuẩn.
Bệnh nhân ngay lập tức được chỉ định nhập viện theo dõi và điều trị. Bác sĩ quyết định trước tiên sẽ điều trị nội khoa với hi vọng tình trạng của bệnh nhân thuyên giảm, bệnh nhân sẽ không phải phẫu thuật. Bệnh nhân ngay sau đó được tiến hành liệu trình điều trị sử dụng kháng sinh kết hợp với thuốc chống viêm, giảm đau. Tuy nhiên, sau 2 tuần điều trị, nhận thấy tình trạng của bệnh nhân T không được cải thiện, một cuộc hội chẩn nhanh chóng diễn ra gồm TS.BSNT Hoàng Văn Dũng – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện, chuyên gia trong lĩnh vực Cơ xương khớp cùng chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình và các bác sĩ khoa Nội của Bệnh viện để quyết định giải pháp chữa trị cho bệnh nhân. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng bệnh án, các chuyên gia quyết định bắt buộc phải phẫu thuật ngay cho bệnh nhân.
Ca phẫu thuật được diễn ra ngay chiều ngày hôm sau dưới sự thực hiện của Ths.BSNT Đặng Hoàng Giang – chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống Bệnh viện Bạch Mai cùng ekip gây mê Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện tổ chức viêm bao gân gấp ngón 3 lan tỏa từ đầu ngón tới ngang mức nền xương đốt bàn tay 3, thâm nhiễm viêm vào gân gấp nông và gân gấp sâu, bao gân gấp và tổ chức xung quanh phù nề, mủn nát. Sau hơn một tiếng đồng hồ tận lực, ca phẫu thuật đã kết thúc thành công. Toàn bộ tổ chức thâm nhiễm gân gấp nông, sâu và các tổ chức mủn nát xung quanh đã được cắt bỏ; bảo tồn toàn bộ gân gấp; đồng thời sát trùng và làm sạch vết mổ cho bệnh nhân. Tổ chức viêm bao gân của người bệnh được gửi làm xét nghiệm để tìm ra căn nguyên thực sự dẫn tới bệnh trạng dai dẳng của bệnh nhân.
Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ đã phát hiện nguyên nhân thực sự dẫn tới tình trạng viêm nhiễm dai dẳng của bệnh nhân T là do nhiễm trực khuẩn lao. Bệnh nhân T có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm, đây là yếu tố nguy cơ chính dẫn tới nhiễm khuẩn lao và viêm do lao, gây nên nhiều biến chứng. Trong đó, viêm bao hoạt dịch gân gấp ngón tay dai dẳng do trực khuẩn lao là một trong số tổn thương lao ngoài phổi hiếm gặp.
Hậu phẫu, bệnh nhân được chuyển lên khoa Nội để tiếp tục theo dõi và điều trị. Vì đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh, phác đồ điều trị lao ngoài phổi được hội chẩn bởi BSCKII. Lê Thị Vân Anh – Trưởng khoa Nội, Chuyên gia hô hấp đã được tiến hành điều trị cho bệnh nhân một cách thuận lợi và cho kết quả tích cực. Đồng thời do được điều trị đúng hướng, nên hỗ trợ rất nhiều cho việc hồi phục vết mổ của bệnh nhân. Chỉ sau hai tuần điều trị, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và được ra viện.
Đạt được kết quả trên không chỉ nhờ sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng của y bác sĩ các khoa trong Bệnh viện mà còn là sự phối kết hợp giữa hai Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng. Giờ đây, sự hợp tác không còn nằm trong phạm vi một bệnh viện, mà là sự hợp tác rộng lớn hơn, kết nối chặt chẽ giữa các bệnh viện trong hệ thống y tế, liên kết bệnh viện tại địa phương và bệnh viện tuyến trung ương thành một mạng lưới, hướng tới mục đích cuối cùng là đảm bảo sự phục vụ hoàn hảo nhất cho nhân dân. Đây cũng là mục tiêu mà Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng hướng tới khi xây dựng “Văn hóa Bệnh viện”. Đó là “Hợp tác, sát cánh vì một mục tiêu tối thượng là chất lượng điều trị”.
Theo TS.BSNT Hoàng Văn Dũng, viêm bao hoạt dịch gân gấp ngón tay không phải là một căn bênh hiếm gặp. Thông thường đối với căn bệnh này chủ yếu sẽ áp dụng điều trị nội khoa cho bệnh nhân. Tuy nhiên, với ca bệnh đặc thù của bệnh nhân T lại là một thách thức cho các y bác sĩ. Nguyên nhân chính xác chỉ được phát hiện sau khi làm phẫu thuật và xét nghiệm mô bệnh học bao gân của bệnh nhân. Thêm vào đó, việc bệnh nhân để căn bệnh tái phát nhiều lần trong nhiều năm cũng khiến cho tình trạng bệnh thêm phức tạp và nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị. Vì vậy, TS.BSNT Hoàng Văn Dũng khuyến cáo bệnh nhân nên đi khám sức khỏe định kỳ để nắm được tình trạng sức khỏe của mình. Ngoài ra, khi có các triệu chứng bất thường cần tới ngay các cơ sở y tế để thăm khám, tránh ủ bệnh dẫn tới tình trạng chuyển biến nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe và có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.
Leave a reply
Leave a reply