Thời tiết thay đổi, cần chủ động ngừa sốt virut
Sốt virut hay còn gọi là sốt siêu vi thường do nhiều loại virut gây ra, phổ biến nhất là virut đường hô hấp, nguyên nhân của bệnh là do thời tiết thay đổi, nắng mưa thất thường tạo điều kiện cho các loại virut gây bệnh phát triển mạnh.
Những người có sức đề kháng kém dễ nhiễm bệnh trong đó có trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh mạn tính… Khi bị sốt virut, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám vì sốt virut dễ dẫn đến bội nhiễm nếu không được điều trị đúng cách và dứt điểm.
Thời tiết thay đổi khiến không chỉ trẻ nhỏ và cả người lớn cũng bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong đó, sốt virut là bệnh dễ lây từ người này sang người khác, đặc biệt là nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hóa. Biểu hiện thường gặp ở những trường hợp sốt do virut, thường sốt cao từ 38-390C, thậm chí 40-410C. Trong cơn sốt người bệnh thường mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol… Ngoài ra, kèm theo viêm long đường hô hấp với các biểu hiện như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng có thể đỏ…
Dấu hiệu đặc trưng
Nhiều người bệnh thường nhầm lẫn vì biểu hiện của các bệnh cúm, sốt xuất huyết tương đối giống sốt virut. Vì vậy, khi trẻ bị sốt, các bậc phụ huynh cần phải chú ý một số dấu hiệu nhận biết để phân biệt giữa trẻ bị sốt do virut và sốt do những nguyên nhân khác. Theo đó, trẻ bị sốt virut thường là sốt cao đột ngột từ 39-400C, đi kèm theo đó là một số các dấu hiệu khác như:
Đau cơ bắp: Khi sốt virut, một số trẻ bị đau nhức khắp mình mẩy, cơ bắp; trẻ nhỏ hay quấy khóc, đau đầu. Tuy nhiên, một số trường hợp bé bị đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, chơi nghịch.
Phát ban: Ở một số bé thường bị nổi ban sau 2-3 ngày bị sốt (khi xuất hiện ban thì bé đỡ sốt hơn).
Mắt nhìn mờ: Trẻ bị chảy nước mắt, kết mạc mắt có thể đỏ, có ghèn (dử) mắt khiến khi nhìn mọi vật bị mờ đi.
Nôn: Trẻ thường nôn nhiều lần, nhất là sau bữa ăn.
Ngoài những dấu hiệu trên, một số triệu chứng thường gặp khác khi trẻ bị sốt virut là ho, chảy nước mũi, hắt hơi, đi ngoài. Một số trẻ nhỏ bị sốt virut còn lên cơn co giật liên hồi kèm tình trạng khó thở.
Đối với người lớn, dấu hiệu đầu tiên khi bị sốt virut cũng là sốt cao đột ngột, cùng với đó là biểu hiện mệt mỏi, đau người, đặc biệt là đau các cơ. Đây là một trong những triệu chứng đặc hiệu nhất của sốt virut ở người lớn. Ngoài ra, cần phải chú ý một số dấu hiệu khác như ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi, nhức đầu, phát ban dưới da…
Khi trẻ sốt cao trên 38,5oC, đặc biệt là trên 39oC mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng, cần đưa trẻ đi khám ngay.Những biến chứng thường gặp khi bị sốt virut
Viêm phổi: Đây là biến chứng nặng thường gặp, có thể bùng phát thành dịch với diễn biến phức tạp và nguy hiểm.
Viêm tiểu phế quản: Hay gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, đây cũng là biến chứng rất nặng có thể xảy ra với trẻ nhỏ.
Viêm thanh quản: Khi thanh quản bị sưng phù có thể khiến trẻ bị khó thở, thở rít.
Viêm cơ tim, gây loạn nhịp tim, ngừng tim: Sau khi hết sốt mà trẻ vẫn mệt, lịm đi, không chơi nghịch, không ăn được thì bố mẹ cần cẩn thận. Đáng ngại nhất là bệnh có thể gây ra những biến chứng ở não, trẻ bị co giật, hôn mê và có thể mang di chứng nặng nề.
Phải làm gì khi bị sốt virut?
Khi bị sốt virut trẻ có thể khỏi sau 5-7 ngày điều trị. Tuy nhiên, nếu chủ quan thì sẽ phải gánh hậu quả nghiêm trọng, đó là những biến chứng mà bệnh gây ra. Nhìn chung trẻ em nói riêng và tất cả mọi người nói chung, khi bị sốt virut bước đầu tiên là phải hạ sốt, nếu bị ho thì phải uống thuốc ho, cần uống nhiều nước và phải được nghỉ ngơi.
Khi trẻ bị sốt virut, tuyệt đối không cho trẻ ra ngoài chơi, đi học,… sau khi uống thuốc, như thế sẽ rất nguy hiểm bởi nó tạo điều kiện cho những biến chứng xảy ra.
Với những trường hợp khi trẻ sốt cao trên 390C, nhưng không đáp ứng với thuốc hạ sốt, kèm theo đó là trẻ li bì, xuất hiện đau đầu, co giật thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế được được thăm khám kịp thời.
Còn nếu cắt được cơn sốt tại nhà, thì có thể chăm sóc ở nhà. Tuy nhiên, cần theo dõi nhiệt độ cho trẻ thường xuyên. Khi ở nhà, cần phải giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, tuyệt đối không đóng kín cửa phòng, không mặc quá nhiều quần áo hoặc đắp nhiều chăn cho trẻ…
Cách chăm sóc khi bị sốt virut
Khi sốt từ 38,50C trở lên cần sử dụng thuốc hạ sốt là paracetamol. Bệnh nhân cần chườm khăn ấm vào trán, mặt, cổ, bẹn, nách, lưng, bụng. Không dùng nước đá hoặc nước quá lạnh, quá nóng để lau cho trẻ. Khi trẻ nóng sốt nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát. Khi sốt cao gây nên tình trạng mất nước, rối loạn cân bằng điện giải, nên có biện pháp bù lại lượng nước và điện giải đã mất bằng oresol, cháo muối loãng, nước cam, chanh…
Đối với trẻ em có tiền sử co giật, nếu trẻ bị co giật thì cần phải cởi bỏ quần áo, lau mát và sử dụng thuốc hạ sốt qua đường hậu môn. Cần đến ngay bệnh viện điều trị kịp thời, không để suy hô hấp nặng mới đi cấp cứu.
Để đề phòng bội nhiễm người bệnh cần được vệ sinh răng, miệng, mắt sạch sẽ bằng cách súc họng bằng nước muối loãng, nhỏ mắt, mũi bằng natri clorid 0,9% tránh bội nhiễm đường hô hấp.
Cần ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, tăng cường ăn và uống nước hoa quả, đây là một yếu tố quan trọng nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể giúp lui bệnh nhanh hơn.
(Nguồn: Báo sức khỏe đời sống)
Leave a reply
Leave a reply