Khoa Ngoại Tiêu hóa – Tiết niệu điều trị thành công liên tiếp bốn ca sỏi mật có biến chứng trên bệnh nhân lớn tuổi và có nhiều bệnh lý nền phức tạp đi kèm
Hầu hết các bệnh nhân sỏi túi mật thường không có triệu chứng lâm sàng. Mỗi năm có khoảng 1-2% bệnh nhân sỏi túi mật không xuất hiện các triệu chứng hoặc biến chứng. Khi đã có triệu chứng cơn đau quặn mật, các cơn đau có khuynh hướng tái phát.
Sỏi túi mật nếu “im lặng” thì không nguy hiểm, nhưng nếu sỏi đã gây triệu chứng thì đó cũng là những dấu hiệu cảnh báo biến chứng đang xảy ra:
Viêm túi mật cấp: Là biến chứng thường gặp nhất của sỏi túi mật, đặc trưng bởi tình trạng viêm thành túi mật. Nguy cơ viêm túi mật cấp tăng lên ở những người mắc sỏi mật có kích thước lớn vì nguy cơ sỏi có thể bị mắc kẹt lại bên trong túi mật cũng tăng lên. Triệu chứng điển hình bao gồm sốt và đau vùng bụng trên bên phải kéo dài, tăng lên khi sờ, thở sâu và ho. Số lượng bạch cầu gia tăng nói lên sự hiện diện của viêm hoặc nhiễm trùng túi mật. Mặc dù hiếm khi viêm túi mật gây thủng hoặc vỡ túi mật, việc điều trị cũng không quá khó khăn (dùng đúng kháng sinh và đủ liều là có thể điều trị khỏi hoàn toàn) tuy nhiên cũng có khi viêm túi mật cấp không được chữa trị kịp thời có thể diễn tiến thành những biến chứng nặng hơn như hoại tử túi mật, thủng túi mật. Khi túi mật thủng, mật sẽ lan tràn vào những cơ quan kế cận như là phúc mạc, gây thấm mật phúc mạc, nặng hơn là viêm phúc mạc mật, sốc nhiễm trùng đường mật … thậm chí dẫn đến tử vong.
Vừa qua trong tháng 7, Khoa Ngoại Tiêu hóa – Tiết niệu đã phẫu thuật và điều trị thành công liên tiếp bốn ca sỏi mật có biến chứng trên bệnh nhân lớn tuổi và có nhiều bệnh lý nền phức tạp đi kèm. Tóm tắt bệnh án của các bệnh nhân như sau:
1.Bệnh nhân Nguyễn Thị B, 91 tuổi, ở Cát Dài, Lê Chân, Hải phòng vào viện Khoa Ngoại Tiêu hóa-Tiết niệu 11h ngày 24/7/2020 trong tình trạng nặng với chẩn đoán: Nhiễm khuẩn đường mật do sỏi ống mật chủ và sỏi trên gan tái phát, mủ đường mật trên nền bệnh tăng huyết áp và tiền sử mổ mở ống mật chủ lấy sỏi dẫn lưu Kehr 2015 tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng. Bệnh nhân được hội chẩn 3 khoa Ngoai Tiêu hóa- Tiết niệu, khoa Nội và Gây mê hồi sức. Bệnh nhân được hồi sức và điều trị trước mổ 6 ngày và được xếp lịch mổ phiên ngày 31-7-2020. Mở ống mật chủ lấy nhiều sỏi tại ống mật chủ và sỏi trên gan. Bơm rửa đường mật. Đặt dẫn lưu Kehr. Sau mổ bệnh nhân được chuyển về Khoa theo dõi và điều trị tiếp. Đến nay bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định. Kiểm tra Kehr: Đường mật hết sỏi, thuốc thông xuống tá tràng tốt. Lâm sàng: Không sốt, da mắt hết vàng, ăn uống vận động bình thường, có thể cho ra viện nhưng gia đình xin ở lại theo dõi thêm. Ra viên 20/8/2020.
2.Bệnh nhân: Hàn Thị Y, 97 tuổi, ở Giang Biên, Vĩnh Bảo, Hải Phòng vào khoa cấp cứu ngày 10/8/2020. Bệnh nhân được hội chẩn ngay giữa Khoa Ngoại Tiêu hóa- Tiết niệu và Khoa Cấp cứu, với chẩn đoán: Nhiễm trùng đường mật, viêm túi mật hoại tử do sỏi trên nền bệnh cao huyết áp. Các bác sỹ đã quyết định mổ cấp cứu. Chẩn đoán sau mổ: Thấm mật phúc mạc do viêm túi mật hoại tử, túi mật tím đen, trong túi mật có sỏi lớn, ống mật chủ giãn, mở ống mật chủ có khối máu đông. Tiến hành lấy cục máu đông và bơm rửa đường mật. Đặt dẫn lưu Kehr. Sau mổ bệnh nhân được điều trị tại Khoa Cấp cứu và Khoa Ngoại Tiêu hóa- Tiết niệu. Đến nay bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định. Ra viện 20/8/2020.
3.Bệnh nhân: Nguyễn Thị M, 80 tuổi, ở An Lư, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Bệnh nhân vào viện ngày 13/8/2020 với tình trạng : Đau vùng thượng vị và hạ sườn phải ba ngày nay, điều trị tại nhà nhưng không đỡ. HA 190/90 mmHg. Được chẩn đoán: Viêm túi mật cấp do sỏi kẹt cổ túi mật trên bệnh nền tăng huyết áp điều trị không liên tục. Bệnh nhân được hội chẩn với các chuyên khoa ngay trong đêm và được mổ nội soi cắt túi mật. Khi soi ổ bụng thấy túi mật căng to, tím đen. Có nhiều dịch và giả mạc. Mạc nối , tá tràng dính quanh vùng dưới gan và túi mật. Sau mổ bệnh nhân ổn định. Ra viện 22/8/2020.
4. Bệnh nhân: Lê Thị Ng, 92 tuổi, ở Dương Quan, Thủy Nguyên, Hải Phòng vào viện ngày 12/8/2020 với dấu hiệu đau hạ sườn phải, bệnh nhân có tiền sử nhiều đợt. Ba ngày nay đau tăng lên và được chẩn đoán viêm túi mật do sỏi trên bệnh nền: gãy cổ xương đùi phải do ngã cách đây một năm không điều trị gì ngoài giảm đau. Viêm dạ dày mạn, thoái hóa đốt sống thể nặng. Xẹp thân đốt sống DXII. Vôi hóa xơ vữa động mạch chủ bụng. Nang thận hai bên. Cao huyết áp. Bệnh nhân được hội chẩn với các chuyên khoa. Điều trị kháng sinh, truyền dịch và nuôi dưỡng. Chỉ định mổ cắt túi mật nội soi ngày 20/8/2020. Hiện tại bệnh nhân ổn định.
Trên đây là bốn trường hợp bệnh nhân mắc sỏi mật có biến chứng nặng ở bệnh nhân cao tuổi đều được PGS.TS. Trần Hữu Vinh – Trưởng Khoa Ngoại Tiêu hóa – Tiết niệu mổ và đặc biệt là sự phối hợp giữa các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chăm sóc của Bệnh viện đã giúp cho quá trình cấp cứu và điều trị bệnh nhân kịp thời và thành công. Vì bệnh nhân cao tuổi nên các bác sỹ khoa Ngoại đã phối kết hợp với Khoa Phục hồi chức năng tập vận động, tập thở cho bệnh nhân ngay từ những giờ đầu sau mổ, giúp bệnh nhân phục hồi nhu động ruột sớm, tránh được viêm phổi, không có loét những vùng bị tỳ đè. Chính vì vậy, ghi nhận tất cả bệnh nhân hồi phục rất nhanh chóng và an toàn.
Chia sẻ với chúng tôi, bệnh nhân và người nhà đã vui mừng cho biết: Ngay từ khi đến khám cấp cứu tại bệnh viện họ đã nhận được sự quan tâm và chăm sóc rất chu đáo, tận tình của các y bác sỹ; quan trọng hơn, bệnh tình hiện tại của các bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục, sức khỏe cũng cải thiện nhanh chóng. Qua các trường hợp lâm sàng trên cho thấy, sự phối hợp điều trị bệnh nhân giữa các chuyên khoa trong bệnh viện rất có giá trị. Đối với những bệnh nhân chưa có chỉ định mổ cấp cứu thì việc hội chẩn giữa các khoa chuyên sâu và việc chuẩn bị bệnh nhân trước mổ tốt là những yếu tố đem lại hiệu quả điều trị cao, an toàn cho người bệnh. Qua đây bác sỹ cũng khuyến cáo, các bệnh nhân có tiền sử sỏi mật nên chủ động đến viện để được các bác sỹ tư vấn và điều trị sớm, tránh được những tai biến nặng nề và nguy hiểm.
Leave a reply
Leave a reply