NHỒI MÁU CƠ TIM CẤP NỘI VIỆN – SỰ PHỐI HỢP HOÀN HẢO ĐA CHUYÊN KHOA CỨU SỐNG BỆNH NHÂN
Nam bệnh nhân 69 tuổi, ở Ngô Quyền, Hải Phòng có tiền sử tăng huyết áp, đái đường type 2, rối loạn mỡ máu. Ngay trước vào viện, người bệnh xuất hiện đau ngực trái, đau nhức buốt lan tê ra 2 tay, được người nhà đưa vào cấp cứu Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng.
Qua thăm khám và các cận lâm sàng tại giường cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, có chỉ định chụp động mạch vành qua da. Kết quả chụp DSA cho thấy người bệnh tắc hoàn toàn liên thất trước (LADII), xơ vữa phình – hẹp 80% LAD I , giãn lớn động mạch vành phải, gánh nặng huyết khối, nhồi máu cơ tim cấp, báo hiệu nguy cơ đột tử rất cao. Ngay lập tức, bệnh nhân được tiến hành can thiệp, quá trình thực hiện hút ra rất nhiều huyết khối đồng thời ekip đã đặt thành công 3 stent vị trí liên thất trước LAD I-II-III. Sau can thiệp, bệnh nhân hồi phục nhanh, cải thiện hoàn toàn triệu chứng đau ngực, huyết động ổn định.
Hình ảnh huyết khối được hút ra trong quá trình can thiệp
Theo các bác sĩ, nhồi máu cơ tim cấp xảy ra khi dòng máu đến cơ tim bị tắc đột ngột gây tổn thương mô cơ tim. Đây là hậu quả của tình trạng hẹp mạch vành hay vỡ mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành. Khi mảng xơ vữa bị vỡ hoặc nứt ra, tiểu cầu kết tụ, sẽ hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn dòng máu đến nuôi cơ tim gây chết tế bào cơ tim.
Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ, nhưng có những trường hợp được cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày bằng các dấu hiệu đặc trưng: Đau thắt ngực tái phát, đau vùng ngực khi hoạt động gắng sức, cơn đau giảm khi nghỉ ngơi. Hầu hết các cơn nhồi máu cơ tim đều để lại biến chứng từ nhẹ (nếu được điều trị kịp thời) đến nặng (đối với trường hợp xử lý chậm) như: rối loạn nhịp tim, suy tim, có thể ngưng tim do rối loạn nhịp, vỡ tim, huyết khối trong vùng tim, túi phình…
Ở ca bệnh trên là minh chứng điển hình khi cơn nhồi máu cơ tim cấp xảy ra, người bệnh đã được can thiệp xử trí kịp thời ngay trong những giờ đầu để tái thông lòng mạch, phục hồi dòng máu nuôi tim. Điều này không chỉ đòi hỏi trình độ chuyên môn tốt của đội ngũ y bác sĩ, mà còn là sự phối hợp hoàn hảo giữa các chuyên khoa, đặc biệt là Khoa Cấp cứu và Khoa Tim mạch. May mắn là bệnh nhân đến bệnh viện sớm và được cứu chữa kịp thời. Điều này là yếu tố quyết định việc cứu sống, hay giảm thiểu biến chứng đối với người bệnh bị nhồi máu cơ tim.
Leave a reply
Leave a reply