Phòng tránh Cúm A cho trẻ trong thời tiết giao mùa các bậc cha mẹ nên biết

Thời tiết giao mùa thay đổi thất thường tạo cơ hội cho nhiều loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Với hệ miễn dịch còn yếu, trẻ nhỏ rất dễ mắc cúm A.

Bé Quách Mỹ U, 9 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao không hạ, ho, chảy nước mũi. Bé Vũ Phúc L, 2 tuổi giường bên cũng có các dấu hiệu tương tự như: sốt, ho nhiều, chảy nước mũi kèm biến chứng viêm phổi. Đây là 2 trong 6 ca trẻ nhập viện vì Cúm A trong thời gian gần đây tại BV ĐKQT Hải Phòng. Dấu hiệu ban đầu của bệnh rất giống với cúm thông thường như: ho, chảy nước mũi, đau họng, sốt…

Theo bác sĩ Phạm Văn Hưng – Khoa Nhi cho biết: “ Thời tiết thay đổi, nhất là giai đoạn chuyển mùa sang đông, trẻ rất dễ mắc các bênh lây qua đường hô hấp, vì thế mà cúm A có cơ hội phát triển”. Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A gây nên. Do bệnh lây qua hô hấp nên khả năng lây nhiễm cao, có thể biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não…. Qua khám lâm sàng và làm các xét nghiệm xác định trẻ bị cúm A, trẻ được các bác sĩ bệnh viện điều trị tích cực, theo dõi sát sao, phát hiện các biến chứng để có những xử trí kịp thời.

Để phòng ngừa cúm A, cách phòng ngừa tốt nhất cho trẻ là tiêm phòng vắc xin, tuy nhiên vắc xin phòng cúm A không được tiêm cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Giao mùa giữ ấm cho trẻ; rửa tay trẻ sạch sẽ và thường xuyên. Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm. Không cho trẻ gần gũi hoặc tách trẻ khỏi những người đang bị cúm. Hạn chế cho trẻ ra ngoài, đến những nơi đông người, tiếp xúc với người lạ. Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Khi thấy trẻ có những triệu chứng như: sốt cao, ho, chảy nước mũi, bú kém… nên đưa trẻ đến khám bệnh tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi./.

Leave a reply