Bạn biết gì về Hội chứng ngưng thở khi ngủ ?

Giấc ngủ là vô cùng cần thiết cho quá trình tái cân bằng cơ thể, sinh lý và tâm lý. Tuy nhiên, giấc ngủ không phải lúc nào cũng là sự nghỉ ngơi. Có nhiều bệnh lý liên quan đến giấc ngủ như: mất ngủ, rối loạn hô hấp khi ngủ (hội chứng ngừng thở khi ngủ, hội chứng giảm thông khi khi ngủ), hội chứng cử động chân bất thường có chu kỳ, chứng ngủ rũ và một số rối loạn giấc ngủ khác… Hội chứng ngưng thở khi ngủ là rối loạn giấc ngủ hay gặp, tuy nhiên nhận biết của người dân cũng như nhân viên y tế về hội chứng này còn khá mới mẻ.

Ths,BSNT Phạm Đắc Thế – Phó Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng thăm khám cho bệnh nhân

Ngưng thở khi ngủ là khi người bệnh ngừng hoạt động hô hấp hoàn toàn từ 10 giây trở lên (biểu hiện không có dòng khí qua mũi). Người mắc hội chứng này với những triệu chứng về đêm như: ngáy to; người thân chứng kiến ngưng thở khi ngủ; nghẹt thở hoặc thở một cách khó nhọc; ngủ không yên giấc; tiểu đêm nhiều lần. Vào ban ngày người bệnh thường: đau đầu khi mới thức dậy; không thấy sảng khoái sau ngủ dậy, buồn ngủ vào ban ngày ngay cả khi đang đọc sách, xem tivi… thậm chí đang nói chuyện; kém tập trung và dễ cáu gắt.

Nguyên nhân của hội chứng ngưng thở khi ngủ gặp phải ở những người có bất thường giải phẫu vùng hàm mặt, tai mũi họng (cằm lẹm, lưỡi gà to). Những người bệnh lý amydan quá phát; béo phì; lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, café, thuốc lá và sử dụng các thuốc an thần, corticoid.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ nếu không được điều trị có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trước mắt và lâu dài, với các biến chứng như: Bệnh tim mạch (tăng huyết áp khó kiểm soát, rối loạn nhịp tim, đột quỵ); rối lọng chuyển hóa, tiểu đường; trầm cảm, sa sút trí tuệ, tăng tỉ lệ tai nạn giao thông, thậm chí gây đột tử.

Trong hiện tại người ta sử dụng nhiều công cụ để chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ như: sử dụng bộ câu hỏi STOP, EPWORTH, theo dõi SPO2 trong đêm…Tuy nhiên đa ký hô hấp, đa ký giấc ngủ là công cụ tin cậy để chẩn đoán xác định, chẩn đoán mức độ bệnh.

Khi được chẩn đoán xác định hội chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh nhân được điều trị theo nguyên nhân. Một số biện pháp không can thiệp như: Thay đổi chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, giảm cân, không uống rượu bia, sử dụng thuốc an thần theo hướng dẫn; thay đổi tư thế ngủ. Biện pháp can thiệp: giải quyết bệnh lý tai mũi họng: cắt amydan, tạo hình hàm mặt; dụng cụ kéo hàm, thở máy áp lực dương liên tục (CPAP) tại nhà.

Chẩn đoán và điều trị sớm giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm. Hiện nay, tại bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng đã triển khai kỹ thuật đa ký hô hấp. Đây là kỹ thuật thăm dò cho phép chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ. Máy đa ký hô hấp giúp ghi nhận tình trạng thở (ngừng thở, giảm thở) thông qua dụng cụ cảm nhận dòng đeo ở mũi, bão hòa oxy khi ngủ, tình trạng ngáy, cử động hô hấp, nhịp tim trong khi ngủ từ đó giúp đánh giá về chất lượng giấc ngủ, chẩn đoán xác định hội chứng ngưng thở khi ngủ, cũng như mức độ nặng của bệnh.

Điều dưỡng thực hiện lắp máy đa ký hô hấp trên bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng

Lời khuyên chuyên gia: Khi bạn có triệu chứng ngáy to về đêm, người thân chứng kiến ngưng thở khi ngủ, tiểu đêm nhiều lần, buồn ngủ quá mức về ban ngày, kém tập trung trong công việc… hãy đến khám ngay tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng để được các chuyên gia về giấc ngủ tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Leave a reply