
BỆNH SỞI “TẤN CÔNG” NGƯỜI LỚN VÀ NHỮNG BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM
Bệnh nhân nữ T.H, 35 tuổi đến Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng với tình trạng sốt, rét run kèm theo chóng mặt và buồn nôn. Qua thăm khám, bác sỹ thấy ban đỏ rải rác vùng mặt, kết mạc mắt đỏ, họng đỏ, hạt koplick rải rác trong miệng. Kết quả xét nghiệm sởi (IgM) dương tính, bệnh nhân cũng có tình trạng tăng men gan, hạ kali máu.
Khác với lầm tưởng sởi chỉ xảy ra ở trẻ em, thực tế người lớn cũng mắc bệnh sởi, thậm chí có thể gặp những biến chứng khó lường. Trường hợp bệnh nhân T.H là một trong nhiều ca bệnh mắc sởi đang được Bệnh viện tiếp nhận và điều trị. Ghi nhận vài tuần trở lại đây, số ca mắc sởi gia tăng nhanh, Khoa Nội tổng hợp 1, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng tiếp nhận 2-3 ca nhập viện điều trị mỗi ngày.
Theo Ths.BSNT. Phạm Đắc Thế – Trưởng Khoa Nội tổng hợp 1, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng: Các bệnh nhân sởi nhập viện thường có triệu chứng sốt cao liên tục, ho và khó thở. Một số người bị viêm kết mạc mắt (đỏ mắt, chảy nước mắt), sau đó nổi ban toàn thân. Nguyên nhân chính khiến nhiều bệnh nhân trưởng thành mắc sởi là do vi rút lây lan qua đường hô hấp. Những người chưa từng mắc sởi, chưa được tiêm vắc xin hoặc đã tiêm nhưng miễn dịch đã suy giảm, đều có nguy cơ cao. Đặc biệt, đối với các chị em phụ nữ, tình huống thường gặp là lây nhiễm khi chăm sóc con nhỏ mắc sởi.
Do bệnh sởi có tính chất lây lan nhanh, mạnh, bệnh nặng có thể biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, suy hô hấp nếu không được điều trị đúng cách. Bác sĩ cũng khuyến cáo, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên người dân nên chủ động phòng bệnh, trong đó tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, cần hạn chế tụ tập đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng, sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng để tránh lây nhiễm sởi. Khi có triệu chứng như sốt và phát ban, người dân nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Leave a reply