Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng cứu sống bệnh nhân ngộ độc thuốc tê Lidocain

Sáng ngày 21/2, bệnh nhân Đ.T.D, 35 tuổi, có răng R38 bị mọc lệch, biến chứng sâu mặt xa răng R37 được các bác sĩ Khoa Răng Hàm Mặt khám và chỉ định nhổ răng R38. Bệnh nhân được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết; qua khai thác tiền sử, bệnh nhân chưa có tiền sử dị ứng và bệnh toàn thân trước đó; đã từng mổ đẻ 2 lần; bác sĩ đo huyết áp ban đầu là 100/60mmHg; tiến hành test phản ứng thuốc tê 30 phút và thực hiện gây tê trên bệnh nhân bằng 2 ống Lidocain. Khoảng 30 phút sau gây tê, bệnh nhân xuất hiện tình trạng khó thở, tê cứng chân tay, huyết áp 90/60 mmHg; 5 phút sau tăng lên 145/70 mmHg.

Xác định bệnh nhân có dấu hiệu của ngộ độc thuốc tê, ngay lập tức bác sĩ CKI Trần Thị Nhung, Trưởng khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng ra y lệnh khẩn trương truyền Lipofundin 20% cho bệnh nhân. Chỉ sau khi truyền 1 lọ Lipofundin, huyết áp bệnh nhân đã về 120/80 mmHg; tiếp tục duy trì truyền Lipofundin và liên tục đo huyết áp, truyền hết lọ thứ hai, bệnh nhân đã dần ổn định, tỉnh táo, hết khó thở và tê cứng chân tay, huyết áp vẫn duy trì 120/80 mmHg.

 Đến 15h cùng ngày, bệnh nhân lại xuất hiện tình trạng khó thở, tê chân tay, đo điện tâm đồ nhịp nhanh xoang >100 lần/phút. Bệnh nhân được chuyển sang Khoa Hồi sức cấp cứu, được các bác sĩ liên khoa Gây mê hồi sức và Hồi sức cấp cứu chăm sóc, theo dõi, tiếp tục truyền lipid 20% 300ml. Chiều ngày hôm sau, bệnh nhân đã ổn định, mọi tình trạng của người bệnh được kiểm soát, hết khó thở, tê chân tay; kiểm tra lại huyết áp là 113/73 mmHg; mạch 92 lần/phút, bệnh nhân được cho xuất viện.

Ngộ độc thuốc tê là một biến chứng có thể gặp khi sử dụng thuốc tê ở mọi chuyên khoa. Khi bị ngộ độc thuốc tê nếu không được chẩn đoán và xử trí đúng cách thì bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong cao; một số trường hợp đã tử vong do gây tê khi nhổ răng hoặc gây tê vùng phẫu thuật. Theo PGS.TS.BSCC Trần Thị Kiệm, Trưởng khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng, bệnh nhân ngộ độc thuốc tê có triệu chứng rất giống tình trạng phản vệ. Ngộ độc thuốc tê có thể gây ngộ độc thần kinh Trung ương và Tim mạch nên nhân viên y tế rất dễ nhầm với tình trạng phản vệ mà có những xử trí nhầm lẫn. Việc trang bị tốt những kiến thức về xử trí ngộ độc thuốc tê, ngay sau khi phát hiện, đội ngũ y bác sĩ tại khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng đã có những chẩn đoán chính xác và xử trí đúng cách, kịp thời cứu sống bệnh nhân ngộ độc thuốc tê Lidocain.

Cũng theo PGS.TS.BSCC Trần Thị Kiệm, khi thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật cần sử dụng thuốc tê, người bệnh nên đến các trung tâm y tế, bệnh viện có trang thiết bị đầy đủ, bắt buộc phải có sẵn sàng nhũ tương lipid 20% và bộ dụng cụ để tiêm truyền tĩnh mạch; có đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo về cấp cứu ngộ độc thuốc tê để có những chẩn đoán và xử trí đúng và kịp thời, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Leave a reply