Biến chứng nguy hiểm do Sán lá phổi, giun đũa chó mèo

Bệnh nhân nam, 37 tuổi vào Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng vì đau ngực, hạ sườn phải; trước vào viện 3 ngày, mệt tăng dần, ho húng hắng. Bệnh nhân có tiền sử hay ăn gỏi cua, cá, tôm. Gia đình nuôi nhiều chó, mèo. Qua thăm khám và các chỉ định cận lâm sàng cần thiết: Chụp CT ngực phát hiện hình ảnh viêm phổi, tràn dịch – tràn khí màng phổi; CT bụng hình ảnh áp xe gan trái. Bác sĩ tiến hành siêu âm lấy dịch màng phổi, hút ra dịch mủ loãng. Đồng thời kết quả xét nghiệm phát hiện người bệnh có sán lá phổi, giun đũa chó mèo.


Bệnh nhân nhanh chóng được điều trị tích cực theo phác đồ (diệt sán lá phổi, giun đũa chó mèo), dẫn lưu màng phổi, bơm rửa màng phổi hàng ngày, hút khí áp lực âm màng phổi liên tục. Bệnh nhân đáp ứng tốt, hết khí dịch màng phổi, hết ho, không đau ngực, không đau bụng, không sốt. Sau 3 tuần điều trị bệnh nhân ổn định hoàn toàn được ra viện, tiếp tục đơn ngoại trú, hẹn tái khám.

Sán lá phổi là bệnh nhiễm trùng do paragomimus, khi người dân ăn phải cua hoặc tôm càng chưa nấu chín có chứa mầm bệnh. Trong khi, người bệnh nhiễm giun đũa chó mèo qua đường tiêu hóa, do tình trạng kém vệ sinh hoặc thức ăn, nước uống nhiễm mầm bệnh (tiếp xúc với chất thải của chó mèo). Hầu hết những người nhiễm không biểu hiện triệu chứng lâm sàng hoặc triệu chứng không rõ rệt nên người bệnh thường bỏ qua, chỉ đến khi xuất hiện các biến chứng mới tới bệnh viện khám và điều trị. Việc phòng bệnh hết sức quan trọng, do đó người dân cần:

  • Ăn chín uống sôi, hạn chế tối đa ăn gỏi hải sản hoặc nướng.
  • Vệ sinh tay, dụng cụ chế biến cá, tôm cua sạch sẽ.
  • Dùng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để nắm rõ yếu tố vùng dịch tễ.
  • Vệ sinh môi trường (đặc biệt khu vực có phân chó mèo; khu vực vui chơi của trẻ em)
  • Tẩy giun định kỳ cho người và vật nuôi
  • Phát hiện và điều trị bệnh kịp thời để tránh lây lan cho cộng đồng.
Leave a reply