CẤY MÁY PHÁ RUNG TỰ ĐỘNG – GIẢI PHÁP HỮU HIỆU CHO BỆNH NHÂN RỐI LOẠN NHỊP NGUY HIỂM

🌈 Máy phá rung tự động (ICD) được xem là cứu tinh của bệnh nhân mắc chứng loạn nhịp tim nguy hiểm. Khi tim bị loạn nhịp, bệnh nhân thường có các cơn ngất xỉu khó lường, và nguy cơ đột tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đồng thời đối với bệnh nhân lên cơn loạn nhịp, nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách thì rất dễ tử vong. Vừa qua, Khoa Tim mạch, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng đã thực hiện phẫu thuật cấy máy ICD cho bệnh nhân suy tim, rối loạn nhịp nguy hiểm.
Đó là trường hợp nam bệnh nhân 71 tuổi có tiền sử suy tim, suy thận, bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp. Bệnh nhân vào viện với tình trạng suy tim EF thấp (23%); khi đeo holter điện tim thì thấy nhịp cơ bản là rung nhĩ, nhiều cơn nhanh thất không bền bỉ. Nhanh chóng, bác sĩ Khoa Tim mạch, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng đánh giá trên bệnh nhân có suy tim EF thấp, đeo holter có nhanh thất thì nguy cơ khởi phát những cơn nhanh thất kéo dài, có thể dẫn đến ngừng tuần hoàn, diễn tiến đột tử rất nguy hiểm. Ngoài ra, người bệnh cũng được chụp động mạch vành qua da, mức độ hẹp nhẹ, loại trừ nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy tim của người bệnh.
Sau khi hội chẩn kĩ càng cùng chuyên gia Hà Nội và thống nhất để dự phòng nguy cơ đột tử, ekip bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật cấy máy phá rung tự động cho người bệnh. Dưới sự hỗ trợ của chuyên gia Hà Nội, bác sĩ Khoa Tim mạch đã cấy máy thành công tại vị trí dưới da vùng ngực, ngay bên dưới xương đòn của bệnh nhân, điện cực được đặt và cố định ở đường ra thất phải.
Theo ThS.BSNT Vũ Học Huấn: Đưa một tình trạng rối loạn nhịp nguy hiểm có thể gây đột tử về nhịp tim bình thường là nguyên lý hoạt động then chốt của thiết bị ICD. Nhờ đó, hạn chế tối đa các trường hợp đột tử gây ra bởi tình trạng mất chức năng co bóp của tim một cách đột ngột khi tim bị các rối loạn nhịp nguy hiểm (rung thất, nhịp nhanh thất). ICD ghi nhận và theo dõi tất cả mọi hoạt động điện học của tim. Khi tim xuất hiện tình trạng rối loạn nhịp nguy hiểm, tín hiệu bất thường này sẽ chuyển tới máy ICD. Với thuật toán thông minh, máy ICD phân tích rối loạn nhịp và phát ra một luồng điện giúp khôi phục lại nhịp đập bình thường của tim.
Phẫu thuật cấy ghép ICD được thực hiện ở những trung tâm tim mạch kỹ thuật cao và bởi những bác sĩ chuyên khoa sâu về tạo nhịp tim. Tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng từng bước triển khai nhiều kỹ thuật can thiệp tim mạch chuyên sâu, giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm đáng kể nguy cơ đột tử do nhồi máu cơ tim, suy tim và hạn chế nguy cơ tái nhập viện cho người bệnh.
Leave a reply