CHUYỆN THƯỜNG NGÀY:
Thần tốc cấp cứu, điều trị bệnh nhân COPD

12:30’ ngày 27/2: Bệnh nhân nam, 85 tuổi có tiền sử COPD vào viện vì khó thở, gọi hỏi không đáp ứng từ nhà. Bác sĩ tiếp nhận người bệnh trong tình trạng hôn mê, da lạnh tái, niêm mạc nhợt, tím môi, TST: 25 ck/p, SPO2: 40%, phổi rì rào phế nang rất kém.

Ngay lập tức, người bệnh được đặt ống nội khí quản, thở máy xâm nhập, tình trạng co thắt phế quản rất nặng cần dùng nhiều loại thuốc giãn phế quản. Thực hiện chỉ định cận lâm sàng bước đầu, kết quả cho thấy: tình trạng toan hô hấp nặng với pH 7.165 pCO2 74, HCO3- 27, pO2 85, lactat 5.29, chẩn đoán ban đầu: Suy hô hấp – Đợt cấp COPD – Viêm phổi – TD Hội chứng vành cấp chưa loại trừ Tắc mạch phổi. Do tình trạng suy hô hấp nặng, co thắt phế quản nhiều nên chưa thể đưa bệnh nhân đi chụp chiếu. Bệnh nhân được điều trị thở máy, kháng sinh, giãn phế quản, corticoid.

ThS. Nguyễn Thị Minh Hảo – Phó Khoa Hồi sức cấp cứu – Thận nhân tạo thăm khám cho người bệnh

13:50’ ngày 27/2: Bệnh nhân được duy trì an thần, thở máy đáp ứng, xuất hiện tụt huyết áp không đáp ứng với bù dịch. Bác sĩ chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn – Suy hô hấp – Đợt cấp COPD – Viêm phổi – Theo dõi hội chứng vành cấp chưa loại trừ tắc mạch phổi. Bệnh nhân khẩn trương được duy trì Noradrenaline, bù dịch.


03:40’ ngày 28/2, kiểm tra sonde dạ dày bệnh nhân có 200ml dịch màu hồng;

Ngày 28/2: Đánh giá tình trạng sốc không cải thiện, liều Noradrenaline 0,4 mcg/kg/ph. Tiến hành đặt catheter tĩnh mạch trung tâm. Tình trạng huyết động và suy hô hấp được kiểm soát, bệnh nhân được chụp MSCT mạch phổi kết quả cho thấy: huyết khối hoàn toàn nhánh phân thùy 1, 2 động mạch phổi trái; đám xơ và xẹp phổi 2 bên; giãn phế quản và ứ khí phổi 2 bên. Bệnh nhân có chỉ định dùng thuốc chống đông điều trị thuyên tắc mạch phổi, tuy nhiên, sonde dạ dày tiếp tục ra máu đỏ nâu khoảng 100 ml. Các bác sĩ tiếp tục điều trị tích cực, duy trì PPI theo phác đồ.


Ngày 01/03, Bệnh nhân đáp ứng điều trị, cắt được Noradrenaline, đỡ co thắt phế quản, cắt được thuốc giãn phế quản tĩnh mạch. Sonde dạ dày tiếp tục ra máu đỏ nâu khoảng 100 ml/ngày. Do tình trạng bệnh nhân nặng, có nhiều bệnh lý phối hợp, can thiệp nội soi tiêu hóa có nguy cơ cao ảnh hưởng đến huyết động.

Ngày 2/3, Bệnh nhân được hội chẩn toàn viện bởi các chuyên gia, bác sĩ chuyên ngành Nội, Tiêu hóa, Gây mê hồi sức, Ngoại tổng hợp do TS.BSNT Hoàng Văn Dũng – Giám đốc chuyên môn hệ Nội Bệnh viện chủ trì. Hội chẩn liên chuyên khoa kết luận: Sốc nhiễm khuẩn đã thoái lui – Giãn phế quản bội nhiễm – COPD – Xơ xẹp phổi – Huyết khối mạn tính phân thùy 1, 2 động mạch phổi trái – Xuất huyết tiêu hóa cao nghi do loét dạ dày hành tá tràng.



Tại thời điểm hội chẩn, sonde dạ dày không ra máu trong 3 giờ.

Hội chẩn thống nhất đưa ra hướng xử trí tiếp theo: Tiếp tục theo dõi tình trạng mất máu của bệnh nhân, tạm thời chưa dùng thuốc chống đông, điều trị bệnh nền…

Ngày 3/3: Bệnh nhân tỉnh, tiến hành cai thở máy, rút ống nội khí quản thành công, chuyển thở máy không xâm nhập xen kẽ thở oxy kính đáp ứng. Tiếp tục điều trị tích cực…

Leave a reply