Đái tháo đường và sự tuân thủ điều trị trong đại dịch Covid-19

Đại dịch COVID-19 chưa từng có trong tiền lệ đã gây không ít khó khăn cho những người phải thường xuyên sử dụng dịch vụ y tế, đặc biệt đối với các bệnh mạn tính, trong đó có bệnh đái tháo đường. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) người bệnh đái tháo đường cần thực hiện các nguyên tắc trong tuân thủ điều trị như: thay đổi lối sống (luyện tập thể lực, chế độ dinh dưỡng hợp lý) và điều trị đái tháo đường bằng thuốc. Để làm được điều này, bệnh nhân cần phải được kiểm tra đường huyết định kỳ để có thể dùng thuốc hiệu quả nhất. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch là một rào cản ảnh hưởng đến việc tuân thủ điều trị ở bệnh nhân đái tháo đường. Hơn thế nữa, theo các nghiên cứu trên thế giới, những người mắc bệnh mạn tính như bệnh đái tháo đường tăng nguy cơ mắc covid-19 và diễn biến bệnh trầm trọng hơn.

Có nhiều nguyên nhân khiến việc kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường nhiễm COVID-19 khó khăn. Đó là chế độ ăn và giờ ăn thay đổi, bệnh nhân ít vận động hơn do chỉ ở trong nhà. Một số bệnh nhân có tâm lý lo lắng, sợ hãi và tự bỏ thuốc điều trị trong thời gian nhiễm COVID. Mặt khác một số bệnh nhân nặng cần điều trị corticoid cũng ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường máu. Ngoài ra, có thể xuất hiện tình trạng tăng đường huyết ở bệnh nhân nhiễm COVID-19 không có đái tháo đường trước đó. Nguyên nhân là do virus SARS-CoV-2 phá hủy tế bào β đảo tụy làm giảm khả năng tiết Insulin, tăng tình trạng đề kháng Insulin làm tăng đường máu. Bản thân virus  Covid – 19 kích thích cơ thể tăng sản xuất nhiều cytokine viêm, gây stress nặng cũng làm tăng đường máu.

Câu chuyện bệnh nhân

Bệnh nhân T.V.P, 39 tuổi, tiền sử đái tháo đường từ năm 2019, vào viện vì mệt mỏi, khát nước, tiểu nhiều, xét nghiệm đường máu lên tới 22.9 mmol/l. Sau thăm khám và hỏi bệnh mới được biết bệnh nhân đã bị nhiễm COVID – 19 và tự ngừng thuốc tiểu đường trong thời gian này.

Trong một trường hợp khác, bệnh nhân Đ.V.C, 88 tuổi, nhập viện vì xác định nhiễm COVID – 19, xét nghiệm đường máu lúc vào viện tăng rất cao: 28 mmol/l. Bệnh nhân có tiền sử Tăng huyết áp – Đái tháo đường typ 2 trước đó, có chỉ định điều trị corticoid do tình trạng bệnh nặng. Điều này cũng góp phần làm việc kiểm soát đường huyết khó khăn.

Hay bệnh nhân T.V.T, 46 tuổi, sau nhiễm COVID – 19 thấy mệt mỏi, mất ngủ, sút cân, nhập viện mới phát hiện Đái tháo đường và có biến chứng tăng áp lực thẩm thấu – đây là biến chứng cấp tính của bệnh.

Câu chuyện của ba bệnh nhân trên chỉ là trường hợp cụ thể trong rất nhiều câu chuyện mà hàng ngày các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng vẫn đang gặp phải. Bên cạnh lý do đến từ nhận thức chưa đúng: thiếu tuân thủ điều trị, tâm lý e ngại khi đến thăm khám tại bệnh viện…, những lý do khách quan do tác động trực tiếp của tình trạng nhiễm Covid 19, bác sĩ Khoa Nội tổng hợp 1 luôn trăn trở làm gì để có hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh.

Thấu hiểu những khó khăn mà bệnh nhân mắc bệnh mạn tính gặp phải trong đại dịch Covid, bệnh viện đã xây dựng quy trình thăm khám đảm bảo an toàn phòng dịch. Bệnh nhân đái tháo đường hoàn toàn yên tâm khi đến hẹn thăm khám tại bệnh viện. Trong trường hợp đến hẹn mà đang mắc bệnh Covid 19, người bệnh có thể liên hệ với bác sỹ đang quản lý cho mình để được tư vấn liệu pháp điều trị tạm thời.

Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng luôn đồng hành cùng bệnh nhân đái tháo đường vượt qua dịch bệnh!

 

 

Leave a reply