Đau mắt đỏ tăng cao, bác sĩ khuyến cáo cách chăm sóc và phòng bệnh đau mắt đỏ

Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ đang lây lan nhanh và bùng phát mạnh. Khác với mọi năm, tình trạng đau mắt đỏ năm nay lây lan nhanh hơn, nặng hơn và dễ biến chứng nguy hiểm; ghi nhận các triệu chứng nặng nề hơn với nhiều người bệnh có giả mạc và biến chứng trên giác mạc. Biến chứng nặng vào giác mạc gồm viêm giác mạc chấm nông, viêm giác mạc đốm, cá biệt có những ca loét thủng giác mạc…

Tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng, trong vòng 2 tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ trung bình 20-30 bệnh nhân/ ngày. Từ đầu tháng 9 đến nay lượng bệnh khám tăng hơn, có ngày lên đến 60 ca khám đau mắt đỏ.

ThS. BS Hoàng Thị Hải Hà – Phụ trách Trung tâm Mắt, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng cho biết: Đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc mắt cấp tính. Có nhiều nguyên nhân gây đau mắt đỏ nhưng nguyên nhân do virus thường gây bệnh thành dịch. Đau mắt đỏ năm nay chủ yếu do Coxsackievirus A24, human Adenovirus 54 và 37 gây ra. Khi bị nhiễm bệnh, người bệnh thường có các biểu hiện như: Đỏ mắt, có dử mắt, chảy nước mắt, có thể có giả mạc. Các biểu hiện khác có thể gặp là hơi sợ ánh sáng, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc.

Bệnh rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, xảy ra quanh năm, tuy nhiên vẫn thường có những đợt dịch bùng lên vào thời điểm giao mùa. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Bệnh đau mắt đỏ thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, các dịch tiết từ mắt, mũi của bệnh nhân hoặc qua đồ dùng cá nhân, đồ chơi, khăn tay nhiễm nguồn bệnh, nước bị nhiễm khuẩn (nhất là nước ở các hồ bơi, bể bơi)…

Chính vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác. Không đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu…  Người dân nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời khi có các dấu hiệu đau mắt đỏ.

Leave a reply