Hành trình “vượt cạn” đầy ngoạn mục của sản phụ mắc xuất huyết giảm tiểu cầu nặng

Ngay khi tỉnh lại sau ca phẫu thuật đầy cam go của mình, lời đầu tiên mà chị Nguyễn Thị T cất lên là lời cảm ơn đội ngũ y bác sỹ, đặc biệt là bác sỹ CKII Trần Thị Việt Phương – Trưởng khoa sản 2 và PGS.TS.BSCC Trần Thị Kiệm – Trưởng khoa gây mê hồi sức, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng.

         Chị Nguyễn Thị T, 31 tuổi, ở An Lão, Hải Phòng phát hiện mình bị giảm tiểu cầu cách đây 10 năm. Qua hồ sơ bệnh án được biết, 4 năm trước, chị mang thai bé đầu và xét nghiệm lượng tiểu cầu của mình là 100 G/l – tiểu cầu thấp nhưng vẫn ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, khi mang thai lần 2, chị không khám quản lý thai ở đâu mà chỉ siêu âm. Đến tuần thai 38, xuất hiện các mảng tím dưới da và chảy máu chân răng, chị đến khoa sản 2, bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng. Xét nghiệm tại bệnh viện cho thấy mức tiểu cầu của chị hạ đến 3G/l – mức quá thấp và vô cùng nguy hiểm với nguy cơ bị xuất huyết nặng khi sinh. Nhận thấy kết quả như vậy, bác sỹ CKII Nguyễn Kim Nga đã cho xét nghiệm lại nhiều lần nhưng các lần đều cho kết quả như nhau.

         Khi kết quả đã được khẳng định, bác sĩ Trần Thị Việt Phương đã cùng ngồi thảo luận với bác sĩ trong khoa và giải thích, tư vấn cho bệnh nhân là nếu có điều kiện nên chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương vì ngoài xuất huyết giảm tiểu cầu nặng, bệnh nhân còn kèm sẹo mổ đẻ cũ. Tin tưởng vào trình độ chuyên môn của các bác sĩ khoa sản 2, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng, đặc biệt biết đến bác sĩ Trần Thị Việt Phương đã từng mổ rất nhiều ca xuất huyết giảm tiểu cầu nặng thành công; gia đình sản phụ đã xin được ở lại khoa sản 2, bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng và kí vào đơn chấp nhận mọi rủi ro xảy ra.

         Ngay sau khi nhận được đơn đề nghị của bệnh nhân, bác sĩ Trần Thị Việt Phương đã xin ý kiến hội chẩn với PGS.TS Nguyễn Thanh Hồi – Giám đốc điều hành, TS.BSCKII Nguyễn Thanh Doanh – Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng cùng Hoàng Văn Phóng – Giám đốc Trung tâm huyết học và truyền máu Hải Phòng để xin hỗ trợ phương pháp điều trị mổ lấy thai nhằm nâng lượng tiểu cầu của bệnh nhân lên mức ít rủi ro nhất. Sau 3 ngày điều trị tiểu cầu bằng thuốc nâng tiểu cầu và truyền 4 đơn vị tiểu cầu, xét nghiệm lại tiểu cầu của bệnh nhân đã nâng lên ở mức 52 ( vẫn là mức thấp hơn so với bình thường ). Cùng lúc này, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ, bác sĩ Trần Thị Việt Phương đã đưa ra quyết định mổ cấp cứu, xin ý kiến PGS.TS.BSCC Trần Thị Kiệm – Trưởng khoa gây mê hồi sức lựa chọn phương pháp gây mê hồi sức và cầm máu.

        

         Sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị, kíp mổ đã lên kế hoạch chi tiết, nhanh chóng và tích cực với đầy đủ các phương tiện để tiến hành. Cuộc phẫu thuật được thực hiện vào 13h ngày 21/12/2018 bởi bác sỹ Trần Thị Việt Phương – Trưởng khoa sản 2 cùng PGS.TS.BSCC Trần Thị Kiệm – Trưởng khoa gây mê hồi sức. Đánh giá đây là ca mổ phức tạp, không những chảy máu nặng do giảm tiểu cầu đồng thời vết mổ bộc lộ dính nặng của lần mổ trước, đội ngũ bác sỹ đã phải tập trung hết sức, vừa thực hiện mổ lấy thai, vừa tích cực triển khai truyền máu, nhanh chóng đưa một bé gái nặng 3,6kg chào đời. Trong suốt quá trình phẫu thuật, kíp phẫu thuật đã phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ gây mê hồi sức kiểm soát tối đa tình trạng chảy máu của bệnh nhân. Chính sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý đã mang lại thành công bước đầu cho ca mổ và an toàn cho sản phụ.

       

         Hiện sức khỏe hai mẹ con sản phụ đã bước đầu ổn định, đang được các bác sỹ, điều dưỡng khoa sản 2, bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng tiếp tục theo dõi và chăm sóc tích cực. Bệnh nhân sẽ được chuyển tiếp về Trung tâm huyết học – truyền máu thành phố để điều trị bệnh giảm tiểu cầu nguyên phát.

Tiểu cầu là một trong ba loại tế bào máu của cơ thể. Tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể cầm máu và bảo vệ thành mạch không bị rò rỉ. Khi số lượng tiểu cầu bị giảm thì quá trình đông máu không được thực hiện và gây nên tình trạng xuất huyết. Số lượng tiểu cầu bình thường từ 150 đến 450 G/l. Nếu số lượng tiểu cầu dưới 150 G/l có nghĩa là bị giảm số lượng tiểu cầu và nguy cơ giảm này sẽ gây ra tình trạng xuất huyết khó cầm.

Leave a reply