KHOA NỘI I – BỆNH VIỆN ĐA KHOA QUỐC TẾ HẢI PHÒNG:
Tận tình điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Whitmore

Bệnh nhân nam, 60 tuổi có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, suy thận mạn vào Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng với tình trạng đại tiện phân lỏng, nôn, sốt, tổn thương mụn phỏng nước thành đám vùng mạng sườn trái, ho ít đờm. Qua thăm khám và các chỉ định cận lâm sàng, hình ảnh chụp Xquang, CT ngực phát hiện bệnh nhân có ổ áp xe màng phổi. Bệnh nhân được tiến hành cấy dịch áp xe, kết quả bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (còn có tên gọi là Whitmore).

Nhanh chóng, người bệnh được điều trị tích cực theo phác đồ tại Khoa Nội tổng hợp 1. Trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân được hội chẩn và phối kết hợp với nhiều chuyên khoa bệnh viện như: Thận tiết niệu, tiêu hóa… để theo dõi, điều trị bệnh nền. Hiện tại, tình trạng và sức khỏe bệnh nhân cải thiện đáng kể.

Theo ThS.BSNT Phạm Đắc Thế – Trưởng Khoa Nội tổng hợp 1, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng: Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh này chủ yếu xảy ra ở các nước khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là ở Đông Nam Á và miền Bắc Australia. Tại Việt Nam, thời gian qua ghi nhận một số ca tại Miền Trung (Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa), đặc biệt sau mùa mưa lũ. Vi khuẩn sống trong đất, do vậy con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn. Lây nhiễm qua con đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn. Vì vậy, những người có đặc thù công việc tiếp xúc với đất nước bị ô nhiễm như người làm ruộng, công nhân xây dựng, người làm vườn, quân nhân…dễ tiếp xúc với nguồn bệnh. Người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh thận mạn, bệnh phổi mạn tính, ung thư, suy giảm miễn dịch sẽ tăng nguy cơ bị bệnh. Bệnh Whitmore có diễn biến lâm sàng đa dạng, gây tổn thương nhiều cơ quan khác nhau trong đó có viêm phổi, áp xe phổi, tràn dịch màng phổi, mủ màng phổi. Bệnh dễ nhầm với một số bệnh phổi khác như viêm phổi do vi khuẩn, áp-xe phổi, lao phổi… Vì vậy, bác sĩ chẩn đoán có thể bỏ qua và muộn, người bệnh không được điều trị kịp thời bệnh sẽ tiến triển nặng, nhiều biến chứng nguy cơ tử vong cao.

Qua đây, bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người sinh sống trong các khu vực có nguy cơ nhiễm bệnh cao, nên lưu ý:

1.Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tayvới xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.

2.Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

3. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.

4. Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.

5. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

6. Những người có bệnh nền như đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch… cần được quản lý và điều trị tốt bệnh nền. Khi bị chấn thương cần chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

7. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

 

Leave a reply