Khoa Sản 2, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng mổ cấp cứu thành công, cứu hai sơ sinh non tháng được thụ tinh ống nghiệm trên mẹ hiếm muộn

Kiên trì thực hiện phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) đến tận lần 3 mới thành công và niềm vui càng nhân đôi khi sản phụ NTP ở Quán Trữ, Kiến An , Hải Phòng mang song thai được một trai và một gái. Quá trình mang thai thật vất vả, từ tuần đầu ngay sau khi đặt phôi, thai phụ đã phải điều trị hỗ trợ nhiều thuốc nội tiết và giảm co bóp tử cung nhưng đến tuần 13 vẫn bị dọa sảy (cổ tử cung hé mở kèm đau bụng…). Vào khám tại khoa sản 2, bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng và được nhận điều trị để giữ thai tích cực, tại đây bệnh nhân đã được hội chẩn, các bác sỹ thống nhất phương pháp điều trị ngoài thuốc men, chăm sóc điều dưỡng tốt nhất, bệnh nhân còn được chỉ định đặt vòng nâng cổ tử cung để chống nguy cơ sinh non ở những tháng tiếp theo.

Phác đồ điều trị được thực hiện bài bản, bệnh nhân đã ổn định, được xuất viện và hẹn khám theo dõi thai định kì đều đặn. Ở tuần thai 28, qua làm xét nghiệm kiểm tra định kì theo hẹn, thai phụ được phát hiện có rối loạn dung nạp đường (đái tháo đường thai kì), tiếp tục được hội chẩn với chuyên khoa Nội – Nội tiết của bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng để được nhận chế độ chăm sóc, điều trị và dinh dưỡng của người mang thai có rối loạn dung nạp đường huyết, tình hình tiến triển khá tốt. Mọi chuyện tưởng như đang tốt dần lên thì đến tuần 31, bệnh nhân bị vỡ ối tự nhiên.

Trước tâm trạng vô cùng lo lắng của sản phụ và người thân, đánh giá được mọi nguy cơ có thể xảy ra của tình trạng ối vỡ non đối với thai quá non (31 tuần) được thụ tinh ống nghiệm: nguy cơ nhiễm khuẩn ối cho mẹ cho thai, nguy cơ suy thai, chết thai. Bác sỹ Trần Thị Việt Phương – Trưởng Khoa Sản 2 đã khám hội chẩn và đưa ra chỉ định mổ cấp cứu lấy thai ngay với hi vọng có thể cứu được hai bé vì không chỉ tuần thai quá non mà trọng lượng thai nhỏ (mỗi bé chỉ khoảng 1.3kg-1.4kg) kèm theo tình trạng vỡ ối non đã gây ra tình trạng suy thai cấp, tim thai rối loạn với nhịp quá nhanh 180-200 lần/ phút. Ca mổ đã được triển khai rất nhanh chóng, bên cạnh kíp gây mê tốt, kíp phẫu thuật cứng (bác sỹ Việt Phương trực tiếp phẫu thuật cho sản phụ) thì còn một kíp gồm các bác sỹ sơ sinh của Khoa Nhi bệnh viện và các nữ hộ sinh khoa sản 2 có kinh nghiệm sẵn sàng đón hai bé với đầy đủ các phương tiện cấp cứu hồi sức sơ sinh tốt nhất.

 Kíp mổ tiến hành lúc 16h15 ngày 23/4, một bé trai nặng 1,6kg; bé gái nặng 1,4kg đã chào đời và hoàn toàn chưa có phản xạ bú. Sau khi đón bé ra làm các hỗ trợ hô hấp, ủ ấm, bé được đưa vào lồng ấp tạm thời ngay sau đó nhanh chóng được đưa sang Bệnh viện trẻ em Hải Phòng để được nhận một chế độ chăm sóc, điều trị và nuôi dưỡng đặc biệt cho sơ sinh quá non.

Tròn 1 tháng cho đến hiện tại, bé được chăm sóc không chỉ tại Bệnh viện trẻ em Hải Phòng mà còn được nhận ý kiến điều trị của Bệnh viện Nhi Trung ương. Đến nay hai bé hoàn toàn khỏe mạnh và xuất viện, được gia đình đưa về thăm khoa Sản 2, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng và bác sĩ Việt Phương – bà đỡ cho hai cháu, đồng thời bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến tập thể khoa cùng các bác sĩ trong kíp đã có công chăm sóc sản phụ trong suốt thai kì và mổ cứu sống được 2 cháu vào thời khắc khó khăn nhất, ít hi vọng nhất. Có thể nói, thành công lần này chính là sự nỗ lực, kiên trì của cả gia đình và tập thể y bác sỹ Khoa Sản 2, Khoa Gây mê hồi sức, Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng. Hai bé sơ sinh chào đời chính là những quả ngọt mà các y bác sỹ từng ngày chăm sóc, vun trồng. Từ đó tạo thành những động lực để họ tiếp tục say mê cống hiến, mang đến nhiều niềm vui cho các gia đình, các cặp vợ chồng hiếm muộn.

 

Leave a reply