Một số điều cần biết về viêm loét dạ dày – tá tràng ở trẻ em

MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VIÊM LOÉT DẠ DÀY – TÁ TRÀNG Ở TRẺ EM

Viêm loét dạ dày – tá tràng là tình trạng tổn thương niêm mạc dạ dày hay tá tràng với nhiều mức độ khác nhau do sự mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ và yếu tố tấn công.

Viêm loét dạ dày – tá tràng ở trẻ em không phải là bệnh lý nhi khoa phổ biến, tuy nhiên trong những năm gần đây số lượng trẻ em bị viêm loét dạ dày có xu hướng tăng lên rõ rệt có thể do chế độ ăn uống, sinh hoạt chưa thật sự khoa học.

Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày – tá tràng ở trẻ em thường có 2 nhóm:

  • Nguyên phát: hầu hết viêm loét dạ dày – tá tràng có liên quan đến nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.
  • Thứ phát: xảy ra khi có yếu tố tấn công gây mất thăng bằng nội mô bình thường của niêm mạc dạ dày tá tràng như: stress, một số thuốc (corticoid, aspirin và các thuốc NSAIDS, thuốc ức chế miễn dịch …), sốc, suy thận, nhiễm trùng, hoặc do một số thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học …

Triệu chứng bệnh ở trẻ em thường không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Các triệu chứng thường gặp là:

  • Đau bụng vùng thượng vị (trên rốn) ở trẻ lớn hay đau quanh rốn ở trẻ nhỏ, đau thường xuất hiện lúc đói hoặc ngay sau ăn, kèm theo cảm giác nặng bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, nóng rát vùng ngực, đau gây thức giấc về đêm. Các triệu chứng thường tái diễn. Trẻ có thể chán ăn, sụt cân, hay mệt mỏi.
  • Triệu chứng khác: nôn máu, ỉa phân đen, da xanh. Nếu có nôn máu hoặc ỉa phân đen thì bệnh rất nặng, có thể là loét dạ dày – tá tràng gây chảy máu.
  • Có thể trong gia đình có người viêm loét dạ dày tá tràng do Helicobacter pylori, đau tương tự hoặc trẻ đang sử dụng thuốc ảnh hưởng đến dạ dày.

Khi thấy trẻ có các dấu hiệu trên gia đình nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa Nhi để được các bác sĩ Nhi khoa thăm khám, chỉ định nội soi dạ dày tá tràng phù hợp. Trẻ cần được chấn đoán sớm, điều trị đúng, kịp thời và được bác sĩ tư vấn cụ thể cách theo dõi, chăm sóc trẻ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tránh những hậu quả không tốt cho trẻ.

 Một số lời khuyên của bác sĩ khi trẻ bị viêm loét dạ dày – tá tràng:

Những điều nên làm:

  • Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng
  • Nên ăn đúng giờ, không để quá đói hoặc quá no, nên ăn nhiều bữa nhỏ
  • Nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, ít mỡ, ít chất kích thích
  • Dùng thuốc đầy đủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ
  • Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, lo âu
  • Tái khám theo hẹn hoặc thấy bất thường

Những điều nên tránh:

  • Không ăn bữa cuối trong ngày gần giấc ngủ (nên ăn cách đi ngủ > 3 giờ)
  • Không ăn thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng, quá nhiều gia vị
  • Tránh cho trẻ uống cefe, trà, nước có ga, nước tăng lực
  • Tránh các thuốc ảnh hưởng đến dạ dày (nên báo bác sĩ trước khi sử dụng các thuốc khác uống kèm)
  • Không tự ngưng điều trị ngay cả khi trẻ cảm thấy đỡ nhiều.

 Thạc sĩ – bác sĩ Phạm Văn Hưng
Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng.

 

 

 

Leave a reply