Ngộ độc rượu – nỗi lo ngày cận Tết

Những ngày cuối năm, nhiều bữa tiệc tất niên tổng kết năm cũ, mừng năm mới liên tục được tổ chức kéo theo lượng rượu, bia được sử dụng cũng tăng theo. Tình trạng lạm dụng rượu bia gây ra nhiều hậu quả, biến chứng đau lòng từ những cơn say, thậm chí ngộ độc vì rượu.

Ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ như: không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững… đến ngộ độc nặng: hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời… Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm. Tuy nhiên nguy cơ càng tăng và gây hậu quả khó lường đối với sức khỏe nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa nhiều methanol.

Methanol thường được gọi là cồn công nghiệp, chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm. Tuy nhiên do nhà sản xuất không tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, dùng methanol để pha chế rượu trực tiếp hoặc pha trộn với cồn thực phẩm để giảm giá thành. Đây là việc làm hết sức nguy hiểm, gây ra các vụ ngộ độc rượu rất nặng dễ dẫn đến tử vong.

Theo bác sĩ CKI, Phạm Thị Quỳnh Nga, khoa cấp cứu – bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng, cách tốt nhất là không nên uống nếu không kiểm soát được hoặc nếu uống nên xác định chỉ uống số lượng rượu có trong khả năng của bản thân và tuân thủ. Người Việt Nam trưởng thành uống không quá 50ml rượu 40 độ hoặc không quá 400ml bia loại 5 độ. Kết hợp ăn đầy đủ trước, trong và ngay sau uống. Chọn uống các loại rượu thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng để vui Tết được an toàn.

Leave a reply