Nhiễm liên cầu khuẩn lợn – Nguy hiểm từ các món tiết canh

Khoa Hồi sức cấp cứu – Thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng vừa qua tiếp nhận và điều trị thành công liên tiếp cho bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn sau ăn tiết canh. Đặc biệt, có trường hợp nặng sốc nhiễm khuẩn huyết biến chứng suy đa tạng, tổn thương cơ tim, suy thận, rối loạn đông máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm màng não.

Tháng 1/2023, bệnh nhân nam, 57 tuổi xuất hiện sốt cao, rét run kèm theo tiểu buốt rắt, uống hạ sốt tại nhà không đỡ, mệt ngày càng tăng, được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng. Tiếp nhận người bệnh trong tình trạng tím môi đầu chi, xuất huyết dưới da 2 tai, HA tụt 78/54 mmHg, qua xét nghiệm cần thiết cho thấy các chỉ số nhiễm khuẩn tăng cao, chẩn đoán người bệnh: Sốc nhiễm khuẩn biến chứng suy đa tạng, tổn thương cơ tim, suy thận, rối loạn đông máu, viêm gan, nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm màng não, viêm phổi, tiên lượng rất nặng. Đồng thời, khai thác tiền sử, bệnh nhân có ăn tiết canh 3 lần trong 14 ngày nay, các bác sĩ nghi ngờ người bệnh nhiễm liên cầu lợn.

Nhanh chóng, người bệnh được điều trị theo phác đồ, bù dịch, kháng sinh theo kinh nghiệm, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, chọc dịch não tủy. Tuy nhiên bệnh nhân đáp ứng kém, sốt cao liên tục, xuất hiện chấm nốt xuất huyết dưới da rải rác vùng đầu, mặt cổ; huyết áp tụt không đáp ứng với bù dịch, được duy trì Noradrenalin. Bệnh nhân lơ mơ, ý thức u ám, kích thích, thiểu niệu, liều vận mạch tăng dần, sốt cao, khó thở tăng lên, thở máy không xâm nhập không đáp ứng, kết quả ban đầu của dịch não tủy: viêm màng não mủ. Các bác sĩ tiến hành đặt ống nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy, lọc máu liên tục. Kết thúc lọc máu lần 1, bệnh nhân còn sốt liên tục, liều vận mạch chưa giảm được, hội chẩn bác sĩ cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, tiếp tục lọc máu lần 2 cho bệnh nhân.

Bệnh nhân an thần, thở máy đáp ứng, cai dần thở máy, liều vận mạch giảm nhiều, các chấm nốt xuất huyết trên da không tăng, kết thúc lọc máu lần 2; kết quả nuôi cấy dịch não tủy: Streptococcus Suis (liên cầu lợn). Sau 05 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tỉnh táo hoàn toàn, rút được ống nội khí quản và chuyển thở oxy kính. Sau 15 ngày điều trị, các chỉ số đã trở về ổn định, được xuất viện.

Cũng đầu tháng 4/2023, Khoa Hồi sức cấp cứu tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân nam, 52 tuổi vào viện với tình trạng sốt nóng, đau mỏi khắp người, đau đầu chóng mặt. Xét nghiệm các chỉ số nhiễm trùng tăng, khai thác tiền sử, bệnh nhân vừa có ăn tiết canh, nghi ngờ nhiễm liên cầu lợn, bác sĩ tiến hành chọc dịch não tủy. Kết quả ban đầu của dịch não tủy cho thấy tình trạng viêm màng não mủ. Nhanh chóng, người bệnh được điều trị tích cực theo phác đồ, sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, kết quả nuôi cấy dịch não tủy: Streptococcus Suis.

 

Qua các trường hợp trên bác sĩ cũng khuyến cáo, để phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người, người dân tuyệt đối không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh; có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc. Khi sốt cao, xuất hiện các mảng xuất huyết dưới da, tiêu chảy, cứng cổ, khó thở, các dấu hiệu nghi ngờ đã bị nhiễm liên cầu, người dân nên đến các cơ sở y tế sớm để khám và điều trị kịp thời.

 

 

 

Leave a reply