Phẫu thuật cấp cứu kịp thời cứu sản phụ sinh mổ thai nhi bị dây rốn thắt nút “Mẹ tròn con vuông”

Trong Y học hiện đại, đặc biệt là với chuyên ngành Sản, hiện tượng “dây rốn thắt nút” (hay còn gọi là dây rau thắt nút) không phải là hiện tượng xa lạ. Dây rốn có vai trò hết sức quan trọng với thai nhi vì nó vận chuyển oxy và dinh dưỡng từ nhau thai tới bào thai. Tuy nhiên nếu dây rốn thắt nút sẽ có ảnh hưởng tới thai nhi, dẫn tới thai nhi bị thiếu oxy và dinh dưỡng, gây mất tim thai và có thể chết lưu trong bụng mẹ, gây nguy hiểm tới tính mạng của sản phụ.

Mới đây, vào ngày 18/07/2020, bác sĩ khoa Sản 1 Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng đã phẫu thuật cấp cứu kịp thời cho sản phụ N.T.M.D, 38 tuổi bị suy thai do dây rốn thắt nút. Đây là một trường hợp hi hữu, hiếm gặp từ trước tới nay tại Bệnh viện. Được biết trước khi mang thai lần này, sản phụ đã sinh hai bé theo phương pháp đẻ thường. Suốt trình mang thai, mọi chỉ số và xét nghiệm, kết quả siêu âm của hai mẹ con đều tốt, không phát hiện điều gì bất thường. Mọi thứ diễn ra thuận lợi cho tới khi chị D phát hiện đã thai đã 40 tuần nhưng chị chưa hề xuất hiện dấu hiệu của cơn co chuyển dạ. Đến ngày hẹn lịch tái khám, vợ chồng chị D mang tâm lý lo lắng tột độ tới Bệnh viện để kiểm tra. Ngay sau khi thăm khám, BSCKII Nguyễn Mai Thơ lập tức chỉ định chị D nhập viện vì thai quá ngày sinh. Chị D nhanh chóng được đưa vào phòng đẻ để theo dõi monitor đánh giá tình trạng của thai nhi. Kết quả cho thấy chị D bị suy thai, nếu không triển khai phẫu thuật lấy bé ra ngay lập tức sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng của cả thai nhi và sản phụ. Không để chần chừ thêm một giây phút nào, BSCKII Nguyễn Mai Thơ quyết định tiến hành phẫu thuật cấp cứu để lấy em bé.

Ca phẫu thuật được diễn ra ngay lập tức dưới sự thực hiện của BSCKII Nguyễn Mai Thơ – Bác sĩ khoa Sản 1, BSCKI Nguyễn Đỗ Hưng – Phó khoa Gây mê hồi sức cùng ekip. Sau một tiếng đồng hồ, bằng sự tận tâm tận lực của các y bác sĩ, em bé đã chào đời an toàn bên cạnh mẹ. Giây phút bé cất tiếng khóc đầu tiên, toàn bộ ekip không khỏi xúc động. Dù con đường đến với mẹ vô cùng khó khăn, nhưng cuối cùng thiên thần bé nhỏ cũng đã vượt qua, mạnh mẽ mở mắt bước vào thế giới. Đồng thời khi lấy em bé ra khỏi bụng mẹ, mọi nghi vấn về tim thai suy của chị D đã được giải đáp. Hóa ra nguyên nhân suy thai của sản phụ là do dây rốn bị thắt nút. Theo BSCKII Nguyễn Mai Thơ: “Nút thắt dây rốn hiện tại vẫn là một khó khăn cho chẩn đoán trước sinh, kể cả với những chuyên gia đầu ngành trên thế giới. Khi thai nhi còn trong tử cung, không thể chẩn đoán được dây rốn có bị thắt nút hay không mà chỉ có thể nghĩ đến khi sản phụ có hiện tượng suy thai cấp, thậm chí mất tim thai đột. Thông thường, bác sĩ chỉ có thể khẳng định chắc chắn có dây rốn thắt nút sau khi sản phụ sinh em bé.”

dây rốn thắt nút

Cận cảnh dây rau thắt nút của sản phụ.

Hậu phẫu sức khỏe của mẹ và bé đều ổn định, được nằm theo dõi tại khoa Sản 1 của Bệnh viện.

dây rốn thắt nút

Bé trai kháu khỉnh trong vòng tay của mẹ.

Có được kết quả mỹ mãn, giúp sản phụ “mẹ tròn con vuông” không chỉ nhờ vào kinh nghiệm chuyên môn dày dạn của đội ngũ y bác sĩ, mà còn ở cái tâm với bệnh nhân, sự phối hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng giữa các khoa, đặc biệt là trong xử trí tình huống tối cấp cứu cho bệnh nhân. Đây cũng là mục tiêu Bệnh viện hướng tới trong xây dựng “Văn hóa bệnh viện”. Đó là “Luôn hết lòng vì người bệnh”, và “Chủ động, phối hợp chặt chẽ trong xử trí khi có biến cố y khoa hoặc các tình huống cấp cứu”.

Qua trường hợp của sản phụ D, BSCKII Nguyễn Mai Thơ cũng khuyến cáo: Hiện nay chưa có phương pháp nào để ngăn ngừa nút thắt dây rốn xảy ra. Vì vậy, chăm sóc thai sản đúng cách là điều cần thiết để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh và không gặp biến chứng. Để phòng tránh biến chứng nguy hiểm của thắt nút dây rốn, mẹ phải luôn luôn theo dõi tới hoạt động của thai nhi, đặc biệt là giai đoạn sau của thai kỳ. Nếu mẹ cảm nhận thấy có bất kỳ sự thay đổi đặc biệt nào trong hoạt động của thai nhi thì phải tới Bệnh viện để khám ngay tức thì.

 

 

 

 

 

 

 

Leave a reply