SỐC NHIỄM KHUẨN, SUY ĐA TẠNG, HOẠI TỬ CHÂN DO VI KHUẨN VIBRIO VULNIFICUS: CẢNH GIÁC VỚI VẾT THƯƠNG NHỎ
Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng vừa tiếp nhận, điều trị trường hợp bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng do nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus.
Nam bệnh nhân 76 tuổi, làm công việc trông coi đầm ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Trước vào viện 2 ngày, người bệnh bị sứt sát ở cẳng chân trái sau đó sưng nóng đỏ đau tăng dần. 5h sáng, bệnh nhân được người làm cùng phát hiện ngất ở sân. 7h30’, người bệnh được đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng trong tình trạng hôn mê, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, sốt cao 39 độ C, suy hô hấp.
Ngay sau đó được chuyển khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân được lọc máu liên tục, vận mạch, kháng sinh, phát hiện thêm có đái tháo đường, chỉ số nhiễm khuẩn tăng rất cao (Pro-calcitonin 464). Vết thương ngày đầu tiên chỉ là tổn thương dạng sưng phù nề, chảy dịch vàng. Đến ngày thứ 3, kết quả cấy máu ra vi khuẩn VIBRIO VULNIFICUS (1 loại vi khuẩn ăn thịt người), vết thương đã tiến triển hoại tử và được chuyển phòng mổ cắt lọc. Sau đó, người bệnh thoát sốc, tuy nhiên còn sốt nhẹ, suy thận cải thiện, đã ngừng lọc máu.
Đến ngày thứ 7, bệnh nhân sốt lên, chân trái lại sưng nề nhiều, vùng da xung quang có dấu hiệu rối loạn cảm giác, phù nề, đang tiến triển hoại tử thêm. Đánh giá người bệnh có nguy cơ tiến triển nặng hơn, đội ngũ bác sĩ lo lắng có thể hoại tử lan rộng đến lớp cân và toàn bộ cẳng chân trái, ngay lập tức hội chẩn toàn viện, liên hệ với tuyến Trung ương, đặc biệt với sự tham vấn chuyên môn của Bệnh viện Bỏng Quốc Gia, quyết định tiếp tục chăm sóc vết thương bằng cách thay băng, cắt lọc hàng ngày.
Đến ngày thứ 12, bệnh nhân đã hết sốt, chỉ số nhiễm khuẩn giảm nhiều, chân trái đỡ sưng nề, tổ chức hạt lên tốt, tiếp tục được chỉ định hút áp lực âm VAC. Sau 05 ngày hút VAC, vết thương lên tổ chức hạt tốt và được chuyển vá da. Ngày thứ 21 nhập viện, bệnh nhân đã dần ổn định, được xuất viện điều trị ngoại trú.
Theo các bác sĩ, cùng với sự nóng lên của Trái Đất, các loại vi khuẩn, vi rút cũng biến đổi theo trong đó có vi khuẩn Vibrio vulnificus. Ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm vi khuẩn này đã phải cắt chi, thậm chí tử vong, đặc biệt vi khuẩn thường gây bệnh trên người bệnh có bệnh lý mạn tính (phổ biến nhất là đái tháo đường). Qua đây khuyến cáo ngay khi người dân có triệu chứng bất thường như: Tổn thương bọng nước hoại tử ngoài da, sốt, mệt mỏi… cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Leave a reply
Leave a reply