Triển khai tầm soát phát hiện sớm ung thư vòm họng

Ung thư biểu mô vòm họng là một khối u ác tính ở vùng đầu và cổ rất phổ biến ở hầu hết các nước Đông Nam Á, là 1 trong 5 ung thư hay gặp nhất ở Việt Nam. Bệnh thường được chẩn đoán ở giai đoạn tiến triển do vị trí không dễ thăm khám nếu không nội soi mũi và các triệu chứng không đặc hiệu ở giai đoạn đầu. Chẩn đoán muộn dẫn đến khả năng sống sót thấp. Bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn I hoặc IIa có thể có tỷ lệ sống sót sau 2 năm là 90%, trong khi đối với giai đoạn IIb – IV, tỷ lệ sống sót sau 2 năm là dưới 50% mặc dù điều trị hóa xạ trị đồng thời tích cực.

Hình 1: Ung thư vòm họng

Nhiễm vi-rút Epstein-Barr (EBV) dai dẳng được xác định là một yếu tố nguy cơ quan trọng gây ung thư vòm họng. Tổn thương ác tính có thể ở tất cả vị trí ở vòm mũi họng nhưng hay gặp nhất ở hố Rosenmuler, ngoài ra có thể ở trần vòm và thành bên.

Hình 2: Theo công bố của tổ chức Y tế thế giới, ung thư vòm có tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong cao nhất ở vùng Đông Nam Á

Tiên lượng sống của bệnh nhân phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh, phát hiện càng sớm tỉ lệ điều trị khỏi càng cao và khả năng sống bình thường rất cao khi phát hiện ung thư ở giai đoạn rất sớm. Do đó, tầm soát ung thư vòm họng là một vấn đề quan trọng trong việc dự phòng ung thư.

Mặc dù hệ thống y tế đã rất phát triển nhưng tỉ lệ mắc cũng như tỉ lệ chết do ung thư vòm họng của khu vực Đông Nam Á nói chung cũng như của Việt Nam vẫn cao nhất thế giới do người dân chưa có ý thức phòng bệnh, khám tầm soát phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Hình 3: Tỉ lệ mắc và chết của ung thư vòm họng theo thống kê của WHO năm 2020

Hiện nay, việc chẩn đoán đoán ung thư vòm họng mới chỉ dừng ở việc nội soi thường quy vòm để phát hiện tổn thương có thể quan sát trên đại thể (dưới độ phóng đại khoảng 20 lần) rồi tiến hành sinh thiết làm giải phẫu bệnh lý hoặc chụp MRI để phát hiện các tổn thương u xâm lấn nền sọ. Tuy nhiên các kỹ thuật này chủ yếu áp dụng trên cơ sở khối u đã rõ ràng về kích thước giải phẫu và chưa có quy trình khám sàng lọc để phát hiện ung thư vòm giai đoạn rất sớm khi ung thư mới khởi phát tại niêm mạc chưa xâm lấn qua màng đáy.

Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng triển khai quy trình khám tầm soát phát hiện ung thư vòm mũi họng giai đoạn rất sớm và sớm nhằm nâng cao hiệu quả điều trị mang lại khả năng điều trị khỏi cao nhất cho bệnh nhân mắc ung thư vòm họng.

  1. Đối tượng áp dụng:

– Những người có nguy cơ mắc bệnh cao:

– Người nhiễm virus Epstein – Barr

-Người trong độ tuổi 30-55;

– Người có thói quen sử dụng rượu bia, hút thuốc lá kéo dài;

– Người lao động trong các môi trường độc hại, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, khí thải độc hại như sợi amiang, sulfur dioxide, hóa chất, tia phóng xạ…

– Người có thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, sử dụng nhiều muối trong chế biến thực phẩm;  ăn nhiều đồ ăn lên men chứa nitrosamines như cá muối, thịt muối, dưa muối;

– Tiền sử gia đình có người thân mắc ung thư vòm họng hoặc mang gen đột biến ung thư

– Các trường hợp muốn kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm mục đích dự phòng và phát hiện bệnh sớm

  1. Các bước tiến hành

Bước 1:

– Khám nội soi thường quy tai mũi họng; ưu tiên khám nội soi dải tần sáng hẹp (NBI) hoặc nội soi nhuộm huỳnh quang. Nếu phát hiện tổn thương nghi ngờ sẽ tiến hành sinh thiết tổn thương làm giải phẫu bệnh lý.

– Siêu âm vùng cổ đánh giá hệ thống hạch cổ và tuyến giáp

Bước 2:

Nhuộm màu xanh toluidine niêm mạc vòm để phát hiện các vị trí bắt màu bất thường và tiến hành sinh thiết làm giải phẫu bệnh khi phát hiện khu vực bắt màu

Bước 3:

Sinh thiết bàn chải, dưới hướng dẫn của nội soi, bác sĩ dùng bàn chải chuyên dụng để lấy tế bào trên bề mặt vòm họng làm xét nghiệm tế bào học và xét nghiệm hóa mô miễn dịch phát hiện kháng thể và DNA của virus Epsteinbar.

Bước 4:

Xét nghiệm gen để phát hiện các gen đột biến nhằm mục đích dự phòng tái phát và tầm soát dự phòng những người cùng huyết thống.

Bước 5:

Lập hồ sơ theo dõi định kỳ

– Với người bình thường nên khám tầm soát ung thư vòm họng ít nhất 12 tháng/lần, tối thiểu nhất là nội soi tai mũi họng, bên cạnh đó có thể áp dụng nhuộm màu xanh toluidine hoặc sinh thiết chải tế bào

– Với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, nên khám tầm soát đầy đủ bao gồm nội soi, nhuộm và sinh thiết bàn chải ít nhất 6 tháng/lần.

Khám kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư vòm họng là cách tốt nhất để dự phòng bệnh và gia tăng tỉ lệ điều trị thành công khi mắc bệnh.

Đặt lịch khám, tầm soát, chẩn đoán và điều trị ung thư vòm họng cũng như giải đáp thắc mắc liên quan, vui lòng liên hệ: 0225 3 955 888 hoặc đăng kí theo link: https://hih.vn/online/.

Leave a reply