Tự ý dùng dung dịch (nước sát khuẩn) để điều trị đau răng, người đàn ông bị nhiễm trùng nặng vùng hàm mặt

Vào Khoa Cấp cứu – Thân nhân tạo, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng trong tình trạng sưng nề môi kèm theo bỏng rát toàn bộ vùng miệng, lưỡi co ngắn, không cử động được, niêm mạc miệng trắng, có bọng nước, bệnh nhân Đ.V.Q, 67 tuổi cho biết tình trạng trên xuất hiện sau khi người bệnh đến nhà bạn chơi, biết mình bị đau răng nên được người bạn cho thuốc và ngậm chữa đau răng.

Qua thăm khám và tiến hành nội soi tai mũi họng, các bác sĩ đã phát hiện bệnh nhân bị viêm bỏng niêm mạc miệng môi họng diện rộng. Kết quả xét nghiệm độc chất dung dịch bệnh nhân súc miệng cho thấy là dung dịch kiềm với tỉ lệ cồn 24.2%. Đặc biệt, tổn thương vùng miệng của người bệnh tiếp tục tiến triển tăng thêm, nhiều giả mạc trắng kèm theo sưng nề, đau rát nhiều vùng miệng, sau đó, bệnh nhân sốt, rét run.

Các bác sĩ Khoa Hồi sức Cấp cứu – Thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng đã tiến hành hội chẩn cùng chuyên khoa Tai Mũi Họng và Răng – hàm – mặt của bệnh viện đồng thời đưa ra hướng xử trí tích cực cho người bệnh. Bệnh nhân tạm nhịn ăn uống, nuôi dưỡng tĩnh mạch, được chăm sóc tổn thương vùng miệng hàng ngày, kiểm soát đường máu, huyết áp, đổi kháng sinh phổ rộng. Kết quả sau 5 ngày vào viện, tình trạng bệnh đã cải thiện, bệnh nhân hết sốt, tổn thương niêm mạc miệng tiến triển tốt, đỡ đau rát và sưng nề, hết giả mạc. Sau 9 ngày, bệnh tình ổn định, bệnh nhân được xuất viện.


Hiện nay, rất nhiều gia đình tự ý điều trị hoặc chữa bệnh theo kiểu mách nhau, truyền miệng kinh nghiệm hay lên mạng đọc rồi chữa bệnh bằng các loại thuốc, sản phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần, chức năng. Bác sĩ khuyến cáo, trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào, người bệnh cần phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc. Mỗi người cần tìm hiểu những thông tin về sản phẩm đó cũng như tình trạng bệnh để tránh làm bệnh nặng lên và có những biến chứng nguy hiểm khi sử dụng không đúng. Trường hợp của bệnh nhân trên là  một ví dụ điển hình.

 

Leave a reply