Bệnh sởi những điểm lưu ý và cách phòng tránh

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi thuộc họ Paramyxoviridae, lây lan rất mạnh qua đường hô hấp. Bệnh sởi đa phần là lành tính, tự khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày, tuy nhiên bệnh có thể diễn biến nặng khi có các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm thanh quản,viêm tai giữa, viêm não, mù mắt do loét giác mạc (nhiễm khuẩn hoặc thiếu vitamin A), tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng.

Trẻ bị sởi thường có tiếp xúc với những trẻ khác mắc sởi hoặc sống trong vùng có nhiều trẻ mắc, hoặc chưa được tiêm phòng sởi. Triệu chứng thường là:

  • Sốt nhẹ hướng tới sốt cao.
  • Viêm long đường hô hấp là triệu chứng hầu như không bao giờ thiếu: hắt hơi, sổ mũi, ho, chảy nước mắt, viêm kết mạc mắt, dử mắt, phù nhẹ mi mắt.
  • Tiêu chảy: do viêm long, phát ban đường ruột gây ra.
  • Phát ban với đặc điểm: ban nhẵn, ấn vào biến mất, mọc theo thứ tự: sau tai, lan dần lên hai bên má, cổ, ngực, chi trên, sau lưng, chi dưới. Lúc này các triệu chứng toàn thân giảm dần sau đó ban bay lần lượt như khi mọc và để lại vết thâm trên da xen kẽ vùng da lành.

Khi thấy bé có các triệu chứng nghi ngờ, tốt nhất các mẹ nên cho con đến cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi khám ngay để được chẩn đoán sớm, điều trị và chăm sóc đúng, kịp thời, đề phòng những biến chứng xấu.

Phòng bệnh:

  •  Phòng bệnh chủ động bằng vắc xin: Thực hiện tiêm chủng 2 mũi vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (mũi đầu tiêm bắt buộc tiêm lúc 9 tháng tuổi, mũi hai tiêm khi trẻ 18 thángtuổi).
  •   Tiêm vắc xin phòng sởi cho các đối tượng khác theo hướng dẫn của nhà chuyênmôn.
  •   Bệnh nhân sởi phải được cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
  •   Tăng cường vệ sinh cá nhân, sát trùng mũi họng, giữ ấm cơ thể, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng.
Leave a reply