Nhiễm khuẩn huyết do viêm mô tế bào cẳng chân: Xuất phát chỉ từ vết xước nhỏ

Viêm mô tế bào là một tình trạng nhiễm trùng da khá nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời vi khuẩn có thể xâm nhập và phát tán rất nhanh vào các hạch lympho, mô cơ, vào máu gây nhiễm trùng huyết, tạo ổ áp xe, viêm hạch lympho, viêm tắc tĩnh mạch, viêm màng não…

Vừa qua, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng tiếp nhận bệnh nhân nữ, 53 tuổi, ở Hạ Lý, Hồng Bàng, Hải Phòng vào viện với tình trạng sốt gai rét, đau mỏi toàn thân, sưng đau cẳng chân phải. Khai thác thông tin được biết, người bệnh bị mèo nhà cào vào cẳng chân 3 ngày trước. Qua thăm khám, cẳng chân bệnh nhân có 2 vết xước, 1 vết chảy dịch, sưng nóng đỏ đau; hình ảnh siêu âm phát hiện viêm mô tế bào 1/3 trên ngoài cẳng chân phải. Kết quả xét nghiệm: BC 14,1 G/l ; CRP 81,4 mg/l, siêu âm tại chỗ: hình ảnh thâm nhiễm, phù nề phần mềm tổ chức dưới da lan tỏa. Bác sĩ chẩn đoán người bệnh nhiễm khuẩn huyết do viêm mô tế bào cẳng chân.

Hình ảnh vết xước do mèo cào trên cẳng chân người bệnh

Theo các bác sĩ, viêm mô tế bào là một nhiễm trùng da gây đau đớn xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào da qua các tổn thương như: Vết xước, vết côn trùng đốt, vết cắn, bỏng… Tổ chức viêm mô tế bào hay gặp nhất là vùng da ở mặt, cẳng chân, tuy nhiên tổn thương cũng có thể gặp ở bất cứ vùng da nào của cơ thể. Khi bị viêm mô tế bào thường có biểu hiện: Sốt, đỏ da lan rộng quanh vùng vết thương; sờ vào vùng da đỏ có cảm giác ấm, ấn đau, đôi khi thấy phù nhẹ khu trú, đặc biệt là vết thương ở gần vùng khớp, một số ít trường hợp có hạch gần nơi vết thương.

Viêm mô tế bào có thể ở tình trạng viêm mô liên kết lan tỏa mức độ nhẹ kéo dài vài ngày, nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời vi khuẩn có thể xâm nhập và phát tán rất nhanh, có thể gây hoại tử, áp xe dưới da, viêm cơ, cân cơ, vào các hạch lympho, vào máu gây nhiễm trùng huyết, viêm hạch lympho, viêm tắc tĩnh mạch, viêm màng não… và những nhiễm khuẩn nặng khác, bệnh nhân có thể tử vong.

Ở trường hợp ca bệnh trên, bệnh nhân nhanh chóng được điều trị tích cực theo phác đồ, được tiêm phòng vaccine dại, bệnh tình dần cải thiện, người bệnh hết sốt, hết sưng đau chân và xuất viện ổn định. Qua đây bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không nên coi thường vết thương nhỏ, đặc biệt đối với các chấn thương, tổn thương hở. Không nên tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc gì khi chưa có chỉ định của bác sĩ, hay đắp các loại lá cây trên vùng tổn thương mà nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn, điều trị kịp thời.

Leave a reply