Trời lạnh, đề phòng bệnh cúm mùa cho trẻ

Thời điểm gần đây, khi miền Bắc lạnh tăng cường, độ ẩm giảm sâu, ghi nhận tại Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng số bệnh nhi mắc cúm tăng cao. Các bậc phụ huynh hoặc những người trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ nên có những kiến thức cơ bản về bệnh để có những biện pháp chăm sóc và phòng bệnh thích hợp nhất cho trẻ.

Từ đầu tháng 12 tới nay, Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng đã tiếp nhận số bệnh nhi mắc cúm đến khám và điều trị nội trú tăng cao. Thời điểm hiện tại, trung bình khoa đang điều trị nội trú cho 20 trẻ mắc cúm/ngày. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này đã gia tăng đáng kể.

Theo ThS BS Phạm Văn Hưng, Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng, cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A và cúm B. Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính tuy nhiên cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những trẻ nhỏ, trẻ đẻ non, có bệnh lý như tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, hen phế quản… Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa tạng dẫn đến tử vong.

Ghi nhận nhiều trường hợp trẻ đến khám với các triệu chứng điển hình như: sốt cao, hắt hơi, chảy nước mũi, ho… Vì vậy, bác sĩ cũng chỉ rõ những triệu chứng của cúm mùa thường là: Có tiếp xúc trực tiếp với người bị cúm hoặc đến từ khu vực có bệnh cúm lưu hành; Sốt cao (thường trên 38 độ), đau nhức cơ toàn thân và đặc biệt là các triệu chứng hô hấp: đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở. Một số ít bệnh nhân cúm nặng có biến chứng như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não hoặc suy các tạng.

Trẻ bị cúm thông thường chỉ cần hạ sốt tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ, bù đủ nước và điện giải bằng dung dịch oresol, dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi. Bệnh tự khỏi trong vòng 5 – 7 ngày. Tuy nhiên cần theo dõi sát những dấu hiệu như sốt cao liên tục không hạ, khó thở hơn, bú kém hoặc bỏ bú, nôn nhiều, co giật hoặc lơ mơ… cần đưa trẻ đến khám tại bệnh viện ngay.

Để phòng bệnh, cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm; tăng cường rửa tay; vệ sinh hô hấp khi ho khạc; tránh tập trung đông người. Đối với người bệnh cần cách ly ở buồng riêng, phải đeo khẩu trang trong thời gian bị bệnh, giặt sạch quần áo, dụng cụ phải được vệ sinh sạch sẽ. Đặc biệt, cần chủ động tiêm phòng vắc xin cúm mùa hàng năm, đây là cách thức phòng bệnh được đánh giá là đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả nhất. Trẻ em từ 6-35 tháng tuổi tiêm liều 0,25ml; người lớn và trẻ em từ 36 tháng tuổi trở lên: tiêm liều 0,5ml; trẻ em dưới 9 tuổi nếu trước đây chưa bị cúm hoặc chưa từng tiêm vắc xin cúm thì nên tiêm 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng. Và sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm 1 lần.

 

 

 

 

Leave a reply